Đông Nam Á: Nhìn lại kết quả một năm học trực tuyến

GD&TĐ - Học sinh Singapore nhanh chóng thích nghi với mô hình học trực tuyến, biết ứng dụng phần mềm vào làm việc nhóm. Trong khi đó, học sinh Philippines, Thái Lan chưa thể trở lại trường, nhiều em đã bỏ học vì dịch.

Học sinh Singapore được trang bị thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Strait Times.
Học sinh Singapore được trang bị thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Strait Times.

Singapore: Học sinh thích nghi nhanh chóng

Tương tự nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Singapore đã đóng cửa trường học lần đầu tiên từ tháng 3/2020, đồng thời, nhiều lần chuyển đổi giữa dạy trực tuyến và trực tiếp tuỳ tình hình dịch Covid-19. Bộ Giáo dục quốc gia này đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp ứng phó giúp học sinh, giáo viên thích nghi với mô hình học mới.

Chính phủ Singapore đã phân bổ thiết bị học tập cá nhân là máy tính bảng iPad cho học sinh tại các trường phổ thông từ đầu năm 2021. Không chỉ nhằm ứng phó với dịch, Bộ Giáo dục Singapore đánh giá các thiết bị kỹ thuật số sẽ được coi là nền tảng của giáo dục khi nước này bước sang trạng thái bình thường mới.

Ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Cấp cao Singapore, cho biết Singapore đã xây dựng kế hoạch phân phối thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, máy tính bảng cho học sinh để tăng cường ứng dụng CNTT trong học tập. Kế hoạch được triển khai sớm 7 năm so với dự kiến do sự bùng phát của Coivd-19.

Thông qua phân phối, Bộ Giáo dục nước này kỳ vọng thúc đẩy học trực tuyến trở thành mô hình học tập mới trong giai đoạn bình thường. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của quốc gia trong việc xoá mù kỹ thuật số.

Ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Giáo dục Singapore, đánh giá, trong thời gian học trực tuyến, giáo viên đã ứng dụng nhiều phần mềm dạy học; thay đổi mô hình kiểm tra tập trung sang giao dự án, bài tập; sáng tạo phương pháp giảng dạy hạn chế phụ thuộc vào sách giáo khoa… Nhiều biện pháp mới đã giúp học sinh nước này tăng khả năng thích nghi, tự định hướng và độc lập trong học tập lẫn sinh hoạt.

Nhận thấy học sinh phát triển tương đối tốt trong thời gian học trực tuyến, Bộ Giáo dục quyết định sẽ tiếp tục duy trì mô hình này. Tuy nhiên, học trực tuyến chưa thể thay thế hoàn toàn học trực tiếp.

Thay vào đó, Bộ Giáo dục đã triển khai kế hoạch học tập kết hợp. Cụ thể, từ tháng 6/2021, học sinh phổ thông đã trở lại trường học. Song song, các em học trực tuyến hai ngày một tháng.

Trên lớp, giáo viên tiếp tục ứng dụng công nghệ như phần mềm dạy trực tuyến, trò chơi trực tuyến để tổ chức hoạt động nhóm, tương tác giữa các học sinh. Các nền tảng giáo dục như Slido, Mentimeter, Kahoot! và Padlet đã trở nên quen thuộc với học sinh tại quốc đảo sư tử. Các em chủ động ứng dụng phần mềm trực tuyến để làm bài tập nhóm.

Học sinh Indonesia đeo kính chắn giọt bắn trong lớp học. Ảnh: Guim.
Học sinh Indonesia đeo kính chắn giọt bắn trong lớp học. Ảnh: Guim.

Indonesia: Đương đầu với thách thức

Ông Nadiem Anwar Makarim, Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, cho biết: Đảm bảo tất cả học sinh được tiếp cận với học từ xa là thách thức rất lớn. Ở mọi nơi trên thế giới, không chỉ Indonesia, học từ xa sẽ tác động tiêu cực đến kết quả, chất lượng giáo dục vì thầy cô và học sinh phải mất thời gian dài để thích nghi với phương pháp học mới.

Indonesia đã đóng cửa trường học từ tháng 3/2020, nhưng chỉ khoảng 40% học sinh có khả năng truy cập Internet. Hầu hết các em sống ở khu vực thành thị như thủ đô Jakarta. Để giải quyết những thách thức của dạy trực tuyến, Bộ Giáo dục Indonesia đã thực hiện một số biện pháp.

Ra mắt kênh truyền hình quốc gia phát sóng các chương trình giáo dục. “Đơn giản hoá” chương trình giảng dạy, tập trung vào kỹ năng đọc và viết cần thiết cho học sinh; đồng thời, giúp giáo viên có thời gian thích nghi với dạy học từ xa.

Các trường phổ thông được phép sử dụng ngân sách do chính phủ tài trợ vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến như máy tính xách tay, máy tính bảng. Chính quyền các địa phương phối hợp với công ty viễn thông tặng dữ liệu di động cho học sinh để cải thiện khả năng tiếp cận Internet.

Tuy nhiên, việc học trực tuyến tại những vùng nông thôn Indonesia còn gặp nhiều hạn chế. Thầy giáo Eka Ilham, làm việc tại tỉnh Bima Regency, Indonesia, cho biết: Dù Bộ Giáo dục đã có nhiều biện pháp giúp học sinh tiếp cận Internet nhưng không phải tất cả các em đều có điện thoại thông minh. Tại vùng nông thôn, hầu hết các gia đình bố mẹ làm nông, không có thời gian giúp đỡ con cái học trực tuyến.

Từ tháng 9, Bộ Giáo dục Indonesia cho phép các trường học ở những khu vực có nguy cơ dịch trung bình, thấp, được phép tái mở cửa trường học. Khi năm học mới bắt đầu, giáo viên, phụ huynh bày tỏ lo ngại cho an toàn của học sinh do quy định phòng chống dịch trong nhà trường tương đối lỏng lẻo.

Ước tính hơn 1.200 trong số gần 46.600 trường học tại Indonesia ghi nhận các trường hợp dương tính sau khi khai giảng. Tuy nhiên, quốc gia này hiện vẫn duy trì học trực tiếp, chỉ tạm dừng dạy học trong các trường ghi nhận ca F0.

Học sinh Philippines đi làm thêm kiếm tiền phụ gia đình. Ảnh: CNA.
Học sinh Philippines đi làm thêm kiếm tiền phụ gia đình. Ảnh: CNA.

Philippines: Nhiều học sinh bỏ học

Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines là một trong những quốc gia hiếm hoi vẫn đóng cửa trường học vì dịch Covid-19. Nước này dự kiến thí điểm mở cửa 120 trường học từ tháng 11. Tuy nhiên trong thời gian học trực tuyến kéo dài, nhiều học sinh nước này đã bỏ học.

Liên Hợp Quốc cho biết, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã tái mở cửa một phần hoặc toàn bộ trường học. Tuy nhiên, Philippines vẫn đóng cửa trường học từ khi bắt đầu dịch Covid-19 bất chấp lời kêu gọi tái mở cửa trường học từ các tổ chức trên thế giới.

Theo thống kê của Chính phủ Philippines, chỉ khoảng 18% hộ gia đình có kết nối Internet. Tại những vùng nông thôn khó khăn, các gia đình không có điện sinh hoạt và sóng điện thoại. Do đó, việc tổ chức học từ xa tại nước này đã làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục giữa học sinh thành thị và học sinh những vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Để khắc phục khó khăn, Philippines đã thiết kế chương trình học tập kết hợp nhiều hình thức như dạy trực tuyến, phân phát tài liệu cứng và phát sóng bài học trên truyền hình, mạng xã hội. Tuy nhiên, các kế hoạch này chỉ đạt hiệu quả thấp do số lượng học sinh không có Internet, điện hoặc thiết bị học tập quá lớn.

Chính phủ Philippines đã triển khai chương trình quyên góp và ủng hộ thiết bị học cho học sinh khó khăn nhưng tiến độ còn chậm.

Không thể tiếp tục việc học, nhiều trẻ em tại quốc gia này đã bỏ học để làm thêm phụ gia đình hoặc kết hôn sớm. Nhiều trẻ nhặt rác, đồ nhựa tái chế bán lấy tiền phụ giúp gia đình.

Với những đứa trẻ may mắn hơn Jonathan khi được học trực tuyến, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, chính phủ đã bỏ qua tác động của đại dịch với thanh thiếu niên và việc đóng cửa trường học sẽ làm tổn thương thế hệ trẻ cùng tương lai của các em.

Tương tự Philippines, nhiều học sinh Thái Lan đã bỏ học trong thời gian học trực tuyến do gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Quốc gia này hiện đang triển khai kế hoạch hai giai đoạn tái mở cửa trường học.

Cụ thể, các trường nội trú đã mở cửa trở lại từ tháng 8 nhưng học sinh tại hầu hết các trường phổ thông vẫn học trực tuyến. Từ đầu tuần này, Thái Lan đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi để đẩy nhanh quá trình tái mở cửa trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ