Đồng Nai: Linh hoạt cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho người dân

Sáng 28/9, đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh với các Sở, ban, ngành, địa phương.

Cùng dự có Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo.
Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, trong ngày 27-9, toàn tỉnh ghi nhận thêm 799 ca bệnh Covid-19 mới, gồm 10 ca qua sàng lọc trong cộng đồng, 277 ca trong khu phong tỏa và 512 ca trong khu cách ly, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 toàn tỉnh lên hơn 47,1 ngàn ca.

Có tổng số 1.776.906 người từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh (chiếm tỷ lệ 78,83%) đã được tiêm vaccine Covid-19, trong đó có 170.380 người đã tiêm đủ 2 liều (đạt 7,56%), thấp hơn so với một số địa phương lân cận. Hôm nay 28-9 là ngày cuối thực hiện kế hoạch xét nghiệm thần tốc 100% người dân trong khu vực ấp, khu phố vùng đỏ, cam, sau đó ngành sẽ khu trú lại vùng đỏ, cam, sớm đưa các hoạt động của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai 2 triệu test nhanh. Sở Y tế đã làm văn bản trình UBND tỉnh ký xin Chính phủ 1 triệu test nhanh và 2 dàn máy xét nghiệm PCR.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Về thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đến nay tỉnh đã chi hỗ trợ số tiền hơn 520,2 tỷ đồng cho hơn 8,9 ngàn đơn vị sử dụng lao động, hơn 233,9 ngàn người lao động và hơn 4,5 ngàn hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận hơn 40 ngàn lượt ý kiến của người dân, trong đó có hơn 34,2 ngàn ý kiến liên quan đến an sinh xã hội. Các cấp chính quyền địa phương đã giải quyết hơn 39 ngàn ý kiến, trong đó có hơn 32 ngàn ý kiến về an sinh xã hội cho người dân. Những ý kiến còn lại, các địa phương cần lưu ý để xử lý, giải quyết, hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Y tế cần xem xét lại việc thực hiện kế hoạch xét nghiệm thần tốc 100% người dân ở các khu, ấp vùng đỏ, vùng cam sao cho đúng, sát đối tượng, hiệu quả, tránh lãng phí. Nếu xét nghiệm không hết 100% người dân ở khu vực đó thì sẽ bỏ sót nguy cơ dịch bệnh và việc làm xét nghiệm còn kéo dài mãi. Bên cạnh đó, cần khẩn trương đưa vào sử dụng phần mềm để thống kê số ca bệnh Covid-19 khoa học, tránh trùng lắp và đỡ tốn công sức của cán bộ, nhân viên các địa phương.

Về công tác cấp giấy đi đường, Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời hạn của giấy đi đường là 7 ngày, sau đó tiếp tục gia hạn chứ không phải làm lại mất thời gian của người dân, doanh nghiệp. Đối với người dân từ vùng xanh ở xã này sang vùng đỏ, cam, vàng của xã khác để thu hoạch nông sản, làm ruộng, làm rẫy hoặc đi khám bệnh... thì Chủ tịch UBND xã, phường có trách nhiệm cấp giấy đi đường cho người dân, không bắt người dân phải xin giấy đi đường từ huyện, cần linh hoạt thực hiện trong phạm vi, quyền hạn của mình để tạo thuận lợi cho người dân.

Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Lãnh đạo TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch cho hay, công tác xét nghiệm thần tốc đang được tiếp tục triển khai trên địa bàn. Qua xét nghiệm đã phát hiện thêm nhiều ca dương tính với Covid-19, tập trung ở một số điểm nóng về dịch bệnh hiện nay của địa phương. Đến nay, vùng xanh trên địa bàn 2 huyện, thành phố này cũng đang được mở rộng cho thấy công tác kiểm soát dịch bệnh đạt được những kết quả tích cực.

Kết luận tại cuộc họp, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các lực lượng tham gia chống dịch từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cán bộ, nhân viên, lực lượng cấp xã, phường, không chỉ tham gia các hoạt động phòng chống dịch mà còn quan tâm để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn. Những kết quả này cần tiếp tục phát huy, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị các Sở, ngành liên quan áp dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch bệnh, trước mắt là áp dụng công nghệ thông tin liên quan đến việc trả kết quả xét nghiệm PCR. Đây là yêu cầu bắt buộc vì sau này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác đi kèm.

Về việc cấp giấy đi đường, trong phạm vi quyền hạn của mình, lãnh đạo UBND các xã, phường phải chủ động để cấp giấy cho người dân, không gây khó khăn cho người dân trong việc cấp và sử dụng giấy đi đường.

Đề nghị Sở Y tế khi thống kê số liệu phải chính xác, phản ánh đúng tình hình thực tế và có khoa học.

Về công tác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh có hơn 600 ngàn công nhân lao động đang sinh sống tại các khu nhà trọ. Tuy nhiên, đến nay mới hỗ trợ được 274 ngàn người lao động, còn rất nhiều người cần được hỗ trợ mà chưa được hỗ trợ. Vì thế, Sở LĐ-TBXH có văn bản tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo tăng cường hỗ trợ cho người lao động. Trường hợp nào không áp dụng được thì MTTQ lấy nguồn khác như nguồn tài trợ để linh hoat hỗ trợ cho người lao động, không để xảy ra quan liêu, tiêu cực.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Huy Anh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Huy Anh

Việc tiêm vaccine cần triển khai nhanh nhất có thể, có vaccine về là tiêm ngay để sớm đạt mục tiêu 95% người dân từ 18 tuổi trở lên trong tình được tiêm vaccine. Các Sở, ban, ngành, địa phương và người dân cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cả về tâm lý lần cách quản lý để thích ứng sau khi nới lỏng giãn cách. Chúng ta chấp nhận sống chung với dịch bệnh thì phải nâng cao khả năng điều trị, nâng cao năng lực của ngành Y tế để tập trung cứu chữa người bệnh, hạn chế tối đa tử vong.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp 3T, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục đi kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt, không để lây lan dịch bệnh, phát sinh ổ dịch trong doanh nghiệp.

Theo baodongnai.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ