Ngày 30/7, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Đồng Nai ghi nhận thêm 367 ca dương tính mới (có 104 ca sàng lọc và 263 ca trong khu cách ly, phong tỏa), trong đó: TP Biên Hòa có 171 ca; Huyện Nhơn Trạch có 71 ca; Huyện Vĩnh Cửu có 56 ca; Huyện Trảng Bom 28; TP Long Khánh 13 ca.
Tổng số ca dương tính mới trong đợt dịch thứ tư tại Đồng Nai là 3.953, trong đó: Biên Hòa nhiều nhất với 1.960 ca, huyện Nhơn Trạch 574, huyện Vĩnh Cửu 551. Đã có 17 ca tử vong.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tại huyện Nhơn Trạch ghi nhận ổ dịch tại 1 doanh nghiệp ở xã Hiệp Phước, có 57 ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc. Qua điều tra ban đầu cho thấy, doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát, việc thực hiện 3 tại chỗ không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống địch; các cơ quan quản lý chưa thực hiện được công tác kiểm tra.
Ngày 30/7, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi các sở, ngành và địa phương trong tỉnh về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ lái xe, người bốc xếp theo xe và thuyền viên… ra, vào cảng, bến thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các đối tượng trên.
Bộ Y tế giúp tỉnh Đồng Nai chống dịch
Đồng Nai có số ca mắc Covid-19 chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, hiện đã ghi nhận gần 4.000 ca mắc trong gần 1 tháng qua.
Dịch đã lây lan thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn. Nguồn lây nhiễm chủ yếu liên quan đến những người về từ các ổ dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương (đa số liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức).
Trước tình hình cấp bách, TS Hoàng Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế cử giúp đỡ Đồng Nai cho biết, sẵn sàng giúp tỉnh giải phóng “điểm nghẽn” về xét nghiệm hiện nay.
Để làm được điều này, tỉnh cần thành lập ban điều phối mẫu xét nghiệm, cần áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống phân phối mẫu, từ tỉnh đến cơ sở. Đối với quần thể có nguy cơ cao nên xét nghiệm mẫu đơn.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra giải pháp cho Đồng Nai: Tỉnh cần phấn đấu không để bệnh nhân tử vong trong các bệnh viện dã chiến, không để bệnh nhân tuyến huyện phải thở máy và đặc biệt phải thực hiện chiến lược điều trị “tháp 3 tầng”, dựa trên phân loại triệu chứng nặng, nhẹ mà người nhiễm Covid-19 được tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng.
Muốn thành công trong đại dịch phải phân 3 tầng rõ rệt, mối liên hệ các tầng với nhau phải chặt chẽ không để bệnh nhân chuyển nặng, không để lên các tuyến mà không được biết.
Hơn 900 công nhân được hỗ trợ về quê
Hơn 900 công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu và đang thực hiện cách ly đã được giải quyết cho về quê chiều 29/7. Toàn bộ số công nhân trên được địa phương miễn phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Đoàn xe được lực lượng công an hộ tống, dẫn đường, hỗ trợ đi qua các chốt kiểm dịch của các tỉnh, thành trên đường về quê.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, toàn bộ số công nhân này đều quê ở Đắk Lắk. Chính vì vậy, Sở đã liên hệ với Sở LĐTB&XH Đắk Lắk để chuẩn bị sẵn sàng đón đoàn. Tất cả các công nhân sẽ được tỉnh Đắk Lắk cho thực hiện cách ly theo đúng quy định phòng, chống Covid-19.
Sở LĐTB&XH tỉnh cũng lưu ý số lượng người lao động đăng ký được hỗ trợ về quê phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của các địa phương nơi đăng ký thường trú. Người lao động phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về địa phương, trường hợp được các địa phương đón về thì phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày theo quy định.
Người lao động trước khi xuất phát về quê, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Thạnh Phú trang bị sữa, nước uống, bánh ngọt, mì để người lao động mang đi đường ăn, đảm bảo sức khoẻ suốt hành trình về quê.