Tại Việt Nam, đến nay đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 22 tỉnh, thành phố cho khoảng gần 80.000 nghìn người, tuy nhiên chưa gặp trường hợp nào có biểu hiện phản ứng đông máu.
Các phản ứng phụ gặp sau tiêm hay gặp là: sốt, mệt mỏi, đau nơi tiêm… với tỷ lệ khoảng 33%; một số có biểu hiện phản ứng dị ứng mức độ nhẹ, trung bình. Tỷ lệ này thấp hơn ghi nhận của nhà sản xuất và một số quốc gia khác.
Chỉ có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế và đã hồi phục hoàn toàn.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ trên báo Sức khỏe và đời sống cho biết, về điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường.
Hiện tại tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19” trình Bộ Y tế ban hành.
Phác đồ xây dựng theo hướng rất chi tiết, dễ theo dõi và thực hiện, nhằm giúp các cơ sở tiêm chủng sẵn sàng xử trí hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 để xử trí kịp thời ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở.
Đồng thời cũng hướng dẫn người tiêm vắc xin phát hiện sớm dấu hiệu sau khi tiêm để tới các cơ sở điều trị kịp thời.
Trước thông tin có một số trường hợp sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 xuất hiện tình trạng đông máu khiến không ít người băn khoăn về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19, PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhấn mạnh: Tuyến dưới có thể xử lý được đông máu do tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhờ hệ thống Telehealth.
PGS.TS Đào Xuân Cơ lưu ý, người dân yên tâm đi tiêm chủng vì hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 rất hiếm khi xảy ra.
Tuy nhiên, sau tiêm chủng, người dân cần tự theo dõi, nếu có một trong các biểu hiện sau, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng: Đau đầu, Nhìn mờ, nhìn đôi, co giật, tê yếu, liệt; Đau ngực, Khó thở; Đau bụng dai dẳng; Phù 2 chi dưới.
Tại Hội nghị trực tuyến sáng ngày 16/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vào ngày 15/4, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Hiện nay chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu.
Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Bộ Y tế đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, chúng tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia như vậy và cách làm như vậy thì chúng ta tự tin có thể xử lý tốt những trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm.
"Trên thực tế vừa rồi, Việt Nam đã xử lý tốt tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm. Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Bộ Y tế đồng ý phương án này, nâng cao hơn một mức so với khuyến cáo chung của quốc tế và WHO”, ông Long nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch trong năm 2021 chưa thể kiểm soát được. Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 600.000 - 700.000 ca mắc mới, 1.000 - 2.000 ca tử vong. Tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp để phòng chống COVID-19.
Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ hơn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như đã thực hiện trong những năm qua.