Động lực để dạy tốt, học tốt

GD&TĐ - Kết thúc năm học 2016 - 2017, Giáo dục Quảng Ninh tiếp tục trên đà phát triển, gặt hái được những thành tựu khả quan. Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh đã chia sẽ bí quyết làm nên thành công này.

Giờ thực hành của học sinh Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái
Giờ thực hành của học sinh Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái

* Xin bà cho biết năm học vừa qua ngành giáo dục Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công nào?   

* Từ những nỗ lực to lớn của toàn ngành cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và người dân, kết thúc năm học 2016-2017, giáo dục Quảng Ninh đã có bước tiến vượt bậc, có 01 học sinh đoạt Huy chương Olympic Sinh học quốc tế (sau 18 năm vắng bóng); số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia tăng hàng năm, Quảng Ninh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

 Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng  Ninh 

*  Theo bà, những yếu tố nào làm nên thành công này?

* Những thành tích trên là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở ban ngành, tổ chức, đoàn thể và cả hệ thống chính trị, của các địa phương trong tỉnh; là kết quả của sự quan tâm ủng hộ của cha mẹ học sinh và nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên toàn ngành trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Đặc biệt trong đó, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo GD-ĐT theo Nghị quyết 29. Trong đó phải kể đến việc ngành GD đã xác định công tác thi đua - khen thưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GD, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân trong toàn ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

* Cụ thể của “động lực”  này là gì, thưa bà?

 Chúng tôi coi, công tác thi đua - khen thưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn ngành, thi đua cần được coi như ngọn lửa hun đúc tinh thần sáng tạo trong dạy và học. Khen thưởng không chỉ là sự động viên mà còn là động lực thúc đẩy thầy dạy tốt,  trò học hay, đồng thời khen thưởng cũng giúp cả thầy và trò có thêm niềm vui, và cũng là sự động viên, khích lệ cả thầy và trò trong hoạt động dạy và học.

Thực hiện điều này, hàng năm, toàn ngành GD luôn có gần 600 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh; trên 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều tập thể, cá nhân được các phần thưởng cao quý khác.

Tôi cho rằng, việc kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; tổ chức tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học và khen thưởng đột xuất khi giáo viên và học sinh có thành tích đặc biệt, hay việc linh hoạt việc tổ chức trao thưởng (tại trường, địa phương, gia đình, cơ quan quản lý giáo dục) có tác dụng động viên, khuyến khích, tạo sức lan tỏa và là động lực để các thầy cô giáo phấn đấu dạy tốt, trò học giỏi. 

Cô trò trường mầm non xã miền núi Đại Dực, huyện Tiên Yên
 Cô trò trường mầm non xã miền núi Đại Dực, huyện Tiên Yên 

* Bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh là gì, thưa bà?

* Chúng tôi thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, kịp thời phổ biến, hướng dẫn các nội dung mới, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua - khen thưởng tại cơ sở và toàn ngành.

Năm học 2016 - 2017 chủ đề công tác của ngành là: “Đổi mới, sáng tạo, kỷ cương trong quản lý giáo dục, trong dạy và học”, với phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy và học tập, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.

Quan tâm phát hiện, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thi đua - khen thưởng của các cơ quan, đơn vị trong ngành; phối hợp trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh những tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc.

Thêm vào đó là việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, kỷ cương, nền nếp, kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tạo môi trường thi đua và môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, đoàn kết, sáng tạo mà hạt nhân trong các phong trào thi đua là cán bộ, giáo viên và học sinh, trong đó coi trọng việc đánh giá, xếp loại, bình bầu khách quan, minh bạch, công bằng để phát huy vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua - khen thưởng.

Cúng tôi cũng chú trọng kế hoạch, lộ trình khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến để tiếp tục đề nghị khen cao, ưu tiên nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ cho các tập thể trong lộ trình khen thưởng; tạo điều kiện cho các cá nhân phấn đấu để đạt được danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn.

Thi đua, khen thưởng là động lực để trò học tốt, thầy dạy hay
Thi đua, khen thưởng là động lực để trò học tốt, thầy dạy hay 

* Được biết năm học vừa qua, Quảng Ninh cũng mạnh dạn chi cho khen thưởng, quan điểm của bà về việc này thế nào?

* Tỉnh ủy, HĐND và UBND đều quán triệt đi cùng với thi đua phải có khen thưởng cho tương xứng, đây phải là động lực để thầy nỗ lực trò cố gắng. Là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, chúng tôi mạnh dạn đề xuất các chính sách nhằm kịp thời động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập và rèn luyện.

Năm học vừa qua, nhiều giáo viên, học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học đều được khen thưởng kịp thời. Bình quân kinh phí dành cho khen thưởng là 3,5 tỷ đồng/năm, bao gồm cả kinh phí thưởng cho học sinh và giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế, đạt điểm giỏi thi tuyển sinh vào các trường đại học theo chính sách riêng của tỉnh.

Tôi cho rằng việc, cùng với việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình sáng tạo, các tấm gương vượt khó vươn lên trong giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành, nhằm góp phần làm chuyển biến chất lượng và hiệu quả công tác của từng cá nhân, tập thể.

Nhưng đi cùng với đó cũng cần chú trọng ưu tiên và quan tâm đến giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong công nhận danh hiệu thi đua và xét tặng khen thưởng, bởi vì chính họ là tác nhân không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng, xóa đi khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Chủ đề của ngành giáo dục Quảng Ninh là: “Đổi mới, sáng tạo, kỷ cương trong quản lý giáo dục, trong dạy và học”, với phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy và học tập, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ