Trí tuệ nhân tạo bùng nổ: Học cách hợp tác với AI

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi, ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như con người. 

Phòng thí nghiệm mở cho sinh viên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH
Phòng thí nghiệm mở cho sinh viên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Trong bối cảnh đó, con người cần học cách “hợp tác” với AI, sử dụng nó vào nhiều lĩnh vực của đời sống.

Cơn “sóng thần” công nghệ

Mới đây, trong buổi nói chuyện đại chúng được Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức, ThS Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), Ủy viên BCH Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) mang đến nhiều thông tin mới với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai vật lý: Hợp tác giữa con người và máy móc”.

ThS Đào Trung Thành nêu bối cảnh, cơn “sóng thần” công nghệ đang dần ập đến, khi AI có khả năng học hỏi, ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như con người. Trong khi đó, sinh học tổng hợp (Synthetic Biology) tạo ra và chỉnh sửa các hệ thống sinh học mới, mở ra cơ hội trong y học, môi trường. Hai công nghệ trên khi kết hợp tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ, không chỉ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp mà còn tác động đến cấu trúc xã hội, luật pháp và đạo đức toàn cầu.

Trong kỷ nguyên mạng lưới thông tin, con người đóng vai trò trung tâm của mọi kết nối thông tin toàn cầu, liên tục tạo ra và chia sẻ dữ liệu qua các hoạt động hàng ngày. Dữ liệu (dữ liệu cá nhân và hành vi người dùng) là nguồn tài nguyên quý giá. Sự kiểm soát dữ liệu mang lại quyền lực và sức ảnh hưởng.

ThS Đào Trung Thành cũng nêu tác động của AI lên thị trường lao động hiện nay. Theo các nghiên cứu, khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian bị ảnh hưởng bởi tự động hóa; 2/3 công việc ở Mỹ sẽ được tự động hóa một phần nhờ AI. Đặc biệt, AI tạo sinh (Generative AI) làm thay đổi công việc một cách triệt để. Generative AI mang lại cho nền kinh tế toàn cầu 4.000 tỷ USD/năm. Bộ phận Marketing và bán hàng chịu tác động mạnh nhất trong tất cả các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, Ths Thành cũng nêu tín hiệu lạc quan khi AI tạo ra cơ hội cho những công việc mới. Chẳng hạn, nghề Kỹ sư AI sẽ là nghề mới nổi, hấp dẫn, với sự săn đón từ các công ty khởi nghiệp đến từ các tập đoàn lớn Google, OpenAI, Netflix.

“Mặc dù tác động của AI đến thị trường lao động có thể là đáng kể, nhưng hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ một phần tự động hóa và do đó có nhiều khả năng được bổ sung hơn là bị thay thế bởi AI”, ông Thành dẫn nhận định của các chuyên gia trên thế giới.

hoc-cach-hop-tac-voi-ai-2-9968.jpg
ThS Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: UEH

Hợp tác với AI

Theo các chuyên gia, AI đang là một xu hướng toàn cầu, đang bùng nổ và có khả năng làm thay đổi mọi mặt trong đời sống nhân loại. AI có thể giúp tinh gọn quy trình quản trị, giảm bớt các công việc có tính chất lặp lại, cải thiện quá trình ra quyết định thông qua phân tích dữ liệu.

Điều này không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm nhiều thời gian và nguồn lực quý báu. Giáo dục cũng không nằm ngoài làn sóng này khi thụ hưởng nhiều thành quả của AI: từ đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng hướng đến sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Tại hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị tổ chức, quản trị trường học và dạy học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM mới đây, TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc SEAMEO CELLL cho biết, trong những năm gần đây, việc tích hợp AI và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào quản trị tổ chức và đặc biệt là trong giáo dục, đã trở thành một xu hướng với tiềm năng định hình lại quá trình quản lý tổ chức trường học và các quy trình học tập.

AI và ICT mở ra những cơ hội chưa từng có để nâng cao kết quả hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phạm vi học tập vượt ra ngoài môi trường lớp học truyền thống. “AI có tiềm năng giải quyết một số thách thức lớn nhất trong giáo dục hiện nay, đổi mới các phương pháp giảng dạy và học tập, và đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG 4 (Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 4 của Liên Hợp Quốc)”, bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết.

Theo đó, AI và ICT không chỉ đơn thuần là những công cụ hỗ trợ mà còn là động lực quan trọng trong việc tái định hình vai trò của nhà quản lý, giáo viên và học sinh trong môi trường làm việc, giáo dục hiện đại. Các công nghệ này có khả năng đơn giản hóa các quy trình quản lý tổ chức, quản trị trường học, giảm gánh nặng hành chính và giải phóng thời gian cho đội ngũ quản lý, đặc biệt là giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy và tương tác với học sinh.

Các nhiệm vụ như chấm điểm, theo dõi chuyên cần và lập lịch học có thể được tự động hóa, nhờ đó việc quản lý trường lớp hiệu quả hơn. Bằng cách ứng dụng những công nghệ này, các tổ chức, và cơ sở giáo dục có thể nâng cao hiệu quả quản lý tổ chức, quản trị trường học, tạo điều kiện cho các cấp quản lý và giảng viên, giáo viên tập trung hơn vào nhiệm vụ được giao.

TS Tommy Tan, nhà sáng lập của DOLPHINE cho biết, công nghệ AI mới trong giáo dục như gia sư thông minh cung cấp hướng dẫn và phản hồi được cá nhân hoá cho học sinh, từ đó điều chỉnh nội dung và tốc độ học phù hợp với mỗi cá nhân để tăng cường sự tham gia của học sinh và cải thiện kết quả học tập. Bên cạnh đó việc phân tích kết quả học tập sử dụng công nghệ AI nhằm hiểu rõ hơn về hiệu suất và hành vi học tập của học sinh. Từ đó, giáo viên có thể đưa ra các phương pháp để cải thiện việc giảng dạy phù hợp với học sinh của mình.

Ngoài ra, các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đang được sử dụng để phát triển chatbot, trợ lý ảo, cải thiện việc học và thu hút học sinh tham gia. Hiện nay, một số nước trong khu vực đã nhận thức được vai trò của phát triển công nghệ AI ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, như Myanmar có dự án phát triển tiếng Myanmar và văn học, Khang Panya Lào,...

Ngày 18/10, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (Phú Yên) tổ chức tọa đàm “Cán bộ công đoàn thời đại giáo dục số” cung cấp nhiều thông tin về chuyển đổi số và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc cho cán bộ công đoàn ngành Giáo dục. Chương trình cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ công đoàn, ứng dụng AI vào hoạt động công đoàn và giảng dạy trong ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ