Năm 2016, hộ gia đình chị Cư Thị Pằng ở thôn Ngã 3, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai được vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện Si Ma Cai đến năm 2020. Có vốn, chị Pằng đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang để chăn nuôi giống lợn đen bản địa; đây là giống lợn lâu nay luôn được giá những nguồn cung lại hạn chế.
Nhờ tuân thủ tốt các kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi lợn do Hội Phụ nữ huyện tổ chức, đàn lợn của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm chị xuất chuồng được 2 lứa lợn đen bản địa, mỗi lứa thu nhập được 150 triệu đồng. Có thêm nguồn vốn từ chăn nuôi lợn, chị tiếp tục đầu tư nuôi trâu, mở dịch vụ buôn bán vật liệu xây dựng… Từ mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp với dịch vụ mỗi năm cũng cho gia đình chị Pằng thu nhập 200-300 triệu đồng.
Từ một gia đình thuộc diện khó khăn của xã, đến nay gia đình chị Cư Thị Pằng đã trở thành hộ khá, năm 2018 chị Pằng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng.
Mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình chị Pằng chỉ là một trong hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Qua các phong trào thi đua do hội phát động, đặc biệt là phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế… trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đa dạng, hiệu quả của chị em phụ nữ đồng bào DTTS. Nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vào những mô hình khá mới mẻ như trồng cây dược liệu, nuôi lợn đen… đã mang lại thành công và có giá trị kinh tế cao.
“Chúng tôi đã phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua tới toàn thể hội viên trong huyện, trong đó việc phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho chị em được đặc biệt quan tâm. Từ nhiều kênh vốn: Ngân hàng chính sách, Nghị quyết 22, Chương trình 135…chị em phụ nữ đã có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, đưa các giống cây con mới vào gieo trồng. Nhờ vậy, rất nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo vươn lên làm giàu…”- bà Hoa cho biết thêm.
Bà Vũ Thị Hoa Sen, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lao Cai cho biết: Bằng những việc làm cụ thể, các cấp Hội phối hợp với ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Bộ đội biên phòng đã hỗ trợ, hướng dẫn cho phụ nữ phát huy vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình “5 không, 3 sạch”… Từ khi phát động đến nay chương trình đã mang lại hiệu quả lớn, chị em phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng từ việc biết chăm sóc sức khỏe cho gia đình đến việc biết thế nào là yêu thương lan tỏa cho phụ nữ hạnh phúc. Tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế…
“Với mục tiêu “Bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã và đang thể hiện vai trò của mình để giúp đỡ các chị em vùng biên giới khó khăn của tỉnh Lào Cai từng bước vươn lên trong cuộc sống, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi, góp phần quan trọng giữ gìn, bảo vệ và phát triển vùng biên cương Tổ quốc. Cùng với đó, chúng tôi đã triển khai xây dựng 10 nhà mái ấm tình thương trao tặng cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế trị giá hàng tỷ đồng…”, bà Sen nhấn mạnh.