Chọn trường công hay trường tư?
Hiện nay, ở những thành phố lớn, nhiều gia đình có mức thu nhập khá có xu hướng lựa chọn cho con học ở các trường trong hệ thống dân lập. Ưu điểm ở những trường này là cơ sở vật chất khá khang trang, đáp ứng tốt việc phát triển các kỹ năng mềm cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Chị Trần Thu Hà công tác tại siêu thị điện máy Trần Anh (Hà Nội) đã chia sẻ: Ngay từ khi con được 5 tuổi, anh chị đã tìm hiểu về việc dạy và học ở một số trường tiểu học gần nhà rồi quyết định nộp hồ sơ đăng ký cho con tại một trường dân lập. Theo chị Hà, tuy mức chi phí có cao hơn các trường tiểu học công lập, nhưng ngoài chương trình học cháu còn được tham gia khá nhiều các hoạt động thể chất cũng như các câu lạc bộ khác.
Đó là chưa kể do sĩ số học sinh trong lớp ít hơn rất nhiều nên việc chăm sóc đối với các cháu cũng được chu đáo hơn. Đến nay cháu đang học lớp 5 và phát triển khá toàn diện về mọi mặt lại rất gắn bó với trường, vì vậy anh chị cũng có ý định sẽ tiếp tục cho con theo học cấp THCS trong hệ thống của trường ở năm học tiếp theo.
Trao đổi về điều này gia đình chị Mai Lan, khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm của mình: Hiện hai con chị đã rất trưởng thành (một cháu tốt nghiệp thạc sĩ tại Đức được hai công ty ở Việt Nam mời hợp tác, cháu thứ hai đang theo học tại Trường ĐH Luật) và chị rất tự hào khi anh chị đã chọn cho các con mình học ở hệ thống các trường công lập của Nhà nước.
Chị Mai Lan cho rằng, trường tư hay trường công đều có những cái hay riêng: Trường công, học sinh được sự tuân thủ nề nếp kỷ luật, học theo chương trình chung, các con chị có tinh thần tự giác cao trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Còn trường tư học sinh được thoải mái hơn, không bị gò bó do đó học sinh có cơ hội phát triển được nhiều các kỹ năng mềm.
Cần lưu tâm đến đứa trẻ
Rõ ràng mỗi một môi trường dạy học công lập hay dân lập cũng đều có những thế mạnh khác nhau. Quan trọng là các phụ huynh cần căn cứ vào tư chất, tính cách của con cái mình để lựa chọn cho phù hợp.
Cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên Trường dân lập Marie Curie (Hà Nội) cũng đưa ra lời khuyên: Đối với những trẻ có khí chất hiếu động, nếu gia đình có điều kiện nên chọn cho con học ở trường dân lập. Vì ở các trường dân lập với sĩ số học sinh ít hơn, các thầy cô sẽ có thời gian quan tâm chú ý hơn tới các em.
Ở các trường này, các em học sinh cũng sẽ được ưu tiên trong việc học và dạy ngoại ngữ. Do đó, các em học sinh sẽ thường xuyên được tiếp xúc, làm việc với giáo viên nước ngoài, học hỏi kiến thức cũng như phong cách sống tiến bộ của các nước phương Tây. Điều này sẽ có những thuận lợi cho mong muốn hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của các gia đình.
Với các trường công lập, ngoài mức chi phí thấp do được Nhà nước hỗ trợ, thì đội ngũ giáo viên ổn định là thế mạnh để các nhà trường phát huy được năng lực sư phạm cũng như chất lượng giáo dục. Những học sinh luôn biết tự giác có tính kỷ luật cao sẽ thích ứng rất tốt với môi trường này.
Tâm sự về điều này, chị Mai Lan cũng bộc bạch về thời gian mà hai con chị học ở phổ thông: Khi các con học trường công lập, tôi đã lường trước được các vấn đề như lớp đông, thầy cô không thể quan tâm nhiều tới con, việc học nặng hơn, con có thể bị phê bình thường xuyên hơn...
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cha mẹ không nên phó mặc hoàn toàn cho thầy cô ở trường. Hàng ngày về nhà vợ chồng tôi thường xuyên có thói quen nghe con báo cáo lại tình hình học tập một ngày ở lớp ra sao và trao đổi liên lạc thường xuyên với cô giáo.
Nếu có vấn đề gì, chúng tôi thường tìm hiểu rõ nguyên nhân và phân tích cho con thấy rõ đúng sai. Thời gian đầu đi học, các cháu có thể chưa quen với tính tự giác trong học tập cũng như sinh hoạt. Nhưng dần dần nền nếp ở trường công lập giúp các cháu tự lập và rất có trách nhiệm với bản thân.