Đóng cửa, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: “Treo” 11 năm, dân lãnh hậu quả

Đóng cửa, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: “Treo” 11 năm, dân lãnh hậu quả

Chờ Chính phủ xóa tên khỏi quy hoạch KCN Việt Nam

Dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 (có diện tích 335 ha) được dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng vào năm 2009. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần dự thảo và trình UBND tỉnh Đồng Nai, đề án mới được bổ sung của Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) đã có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo đề án mới, số tiền 15.000 tỷ đồng sẽ được chia ra làm 3 khoản chính. Chi phí xây dựng, thiết bị hơn 2.400 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng. Chi phí hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gần 1.300 tỷ đồng…

Lộ trình thực hiện dự án, theo ông Trần Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Sonadezi, sẽ được chia làm 3. Giai đoạn 1 từ 2018 – 2020 xây dựng khu vực phía Tây Nam và một phần phía Đông Bắc dự án với diện tích hơn 59 ha. Giai đoạn 2 từ 2021 – 2023 xây dựng khu vực phía Tây dọc bờ sông Cái, khu vực trung tâm giáp với trục cảnh quan chính và khu vực Đông Bắc có diện tích hơn 152 ha. Giai đoạn 3 đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu vực còn lại có diện tích hơn 112 ha.

Để thực hiện dự án sẽ thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư cấp 1 do Sonadezi là cổ đông nắm quyền chi phối, chiếm 51% vốn điều lệ. Trong đó, Sonadezi sẽ dành gần 20 ha để đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh tại đây.

Lộ trình là như vậy, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất và quyết sẽ đóng cửa KCN Biên Hòa 1 vào năm 2022 để tiến hành các thủ tục bàn giao, nhưng đến nay đề án vẫn chưa thể triển khai. Lý do một phần là trong thời gian thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư có nhiều thay đổi nên đề án phải liên tục sửa đổi, bổ sung. Một phần KCN Biên Hòa 1 vẫn còn vướng quy trình do cấp Trung ương phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 chậm. Chưa thể triển khai do tỉnh đang chờ Chính phủ phê duyệt đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam.

“Sau khi có quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ tiến hành thực hiện các bước tiếp theo của dự án là lập quy hoạch, di dời các doanh nghiệp ra khỏi KCN Biên Hòa 1, lập thủ tục mời gọi đầu tư khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường… Mọi thứ đều phải thực hiện theo đúng trình tự và quy trình” - bà Hiệp cho biết.

Thời hạn đóng cửa phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ

KCN Biên Hòa 1 là KCN đầu tiên tại các tỉnh miền Nam. Nó được thành lập vào năm 1963 nằm dọc sông Đồng Nai với mục tiêu thúc đẩy kinh tế khu vực Đông Nam Bộ với 3 tỉnh xương sống là Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Tuy nhiên, sau gần 60 năm hoạt động, máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động tại đây đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao nên tỉnh Đồng Nai quyết định xóa sổ, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.

Mục tiêu lớn nhất của việc di dời KCN Biên Hòa 1, chuyển đổi công năng là để tránh nguy cơ ô nhiễm và nguy hại cho sức khỏe hàng triệu người dân 3 tỉnh. Việc chậm trễ suốt 10 năm qua đã và đang mang đến sự lo lắng nhất định cho người dân. Ông Trần Thế Bình - tổ khu phố 3, phường Hiệp Hòa cho biết, ông đã nghe rất nhiều về việc đóng cửa KCN Biên Hòa 1 nhưng không hiểu vì sao mãi đến nay vẫn chưa thể di dời các doanh nghiệp trong đó ra ngoài.

“Sông Đồng Nai khu vực phường tôi ở cứ vào mỗi mùa nước cạn là ô nhiễm vô cùng. Những hôm nắng mạnh mùi hôi từ sông xộc thẳng vào nhà rất khó chịu. Bà con nơi đây đã nhiều lần kiến nghị với UBND phường xem xét nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi” - ông Bình cho biết.

Về nguyên nhân các doanh nghiệp chậm trễ di dời, ông Cao Sỹ Tiến - Trưởng ban quản lý KCN Đồng Nai cho biết: Chủ trương di dời doanh nghiệp rất ủng hộ vì các chính sách hỗ trợ mà UBND tỉnh thông báo là khá tốt. Vấn đề nằm ở chỗ, UBND tỉnh Đồng Nai chưa khóa được thời điểm đóng cửa chính thức nên các doanh nghiệp còn chần chừ.

“Hiện KCN Biên Hòa 1 có gần 100 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 87 đơn vị thuê đất xây dựng nhà xưởng hoạt động. Số còn lại chủ yếu là thuê kho, bãi làm nơi chứa hàng. Hiện Ban quản lý chúng tôi cũng đã thông báo thời hạn cuối phải di dời để các doanh nghiệp chủ động. Tuy nhiên, họ mong muốn UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ di dời trước cột mốc cuối cùng để họ sớm ổn định sản xuất” - ông Tiến cho biết.

Về mốc thời gian chính xác đóng cửa KCN Biên Hòa, ông Tiến cho biết không thể trả lời bởi phải căn cứ vào phê duyệt của Chính phủ và công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh sớm hay muộn.

Trước đó, tháng 8/2019, trong một cuộc họp với các sở, ngành và Sonadezi về tình hình triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh việc đóng cửa KCN Biên Hòa I là cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Đó là việc cần làm để giải quyết được 2 vấn đề lớn là ô nhiễm môi trường và chỉnh trang, phát triển đô thị Biên Hòa.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND tỉnh, cùng với Sonadezi, các ban, ngành phải gấp rút triển khai các kế hoạch, sớm chốt việc đóng cửa hoạt động KCN Biên Hòa 1, thì việc chuyển đổi công năng KCN này mới tiến hành nhanh được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ