Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, trong đó đa số các thầy giáo, cô giáo chấp hành tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, không ngừng học tập, tu dưỡng nên có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, mẫu mực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh đội ngũ nhà giáo toàn ngành.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể: Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát địa phương thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong trường học.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo; chỉ đạo các sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo.
Luật Giáo dục 2019 đã bổ sung những quy định về đạo đức nhà giáo. Theo đó, tại Điều 67, tiêu chuẩn nhà giáo: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm… Tại Điều 69 quy định nhiệm vụ của nhà giáo: Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo; Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học...