Những năm gần đây, đồng bào Vân Kiều phía Tây Quảng Trị đã tận dụng, khai thác cảnh quan thiên nhiên kết hợp cùng nét đẹp văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Hướng đi này giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hút du khách bằng cảnh đẹp bản làng
Cách đường Hồ Chí Minh (nhánh phía Tây Quảng Trị) nửa giờ đi bộ, thác Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa)... được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ. Thác Tà Puồng nằm sâu giữa rừng, có dòng nước đổ từ núi cao xuống, mát rượi quanh năm.
Bên dưới thác là hồ nước xanh màu ngọc bích, cây cối tươi tốt. Xuôi theo dòng chảy của thác là suối Tà Puồng đưa nước về bản cho người dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tận dụng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, một số hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã miền núi Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã tiên phong khai thác du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng. Dù mô hình du lịch mới hoạt động vài năm, nhưng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Anh Hồ Văn Giỏi, tổ trưởng mô hình du lịch cộng đồng Tà Puồng, xã Hướng Việt cho biết, mấy năm trước hình ảnh về thác Tà Puồng lan tỏa trên Internet, bắt đầu có du khách từ các nơi đến đây ngắm cảnh, check-in.
“Cảnh quan thiên nhiên tại thác rất đẹp, hấp dẫn du khách, nhưng không có ai quản lý, khai thác. Người đến, người đi mang tính tự phát, không có người hướng dẫn, thiếu dịch vụ phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, đảm bảo vệ sinh môi trường... Trăn trở điều đó, tôi cùng một số hộ dân đã đề nghị chính quyền địa phương cho phép khai thác du lịch tại đây”, anh Giỏi chia sẻ.
Được chính quyền chấp nhận, từ năm 2021, tổ mô hình du lịch cộng đồng Tà Puồng ra đời. Tổ có 22 hộ gia đình cùng tham gia khai thác du lịch, trong đó có 3 người quản lý. Người dân tận dụng các loại tranh, tre, nứa có sẵn để làm lán trại phục vụ du khách đến nghỉ ngơi.
Để thu hút khách, các chủ mô hình được tư vấn, tổ chức đi tham quan một số mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương khác. Đến nay, thác Tà Puồng đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những người ưa thích phiêu lưu, khám phá.
Theo anh Hồ Văn Giỏi, năm 2023 ước khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan, ngắm cảnh ở thác Tà Puồng. Những ngày đầu tháng 4/2024, lượng khách đến với thác Tà Puồng khá đông. Cao điểm khai thác du lịch tại thác Tà Puồng từ tháng 3 đến tháng 6. Các dịp cuối tuần, ngày lễ có khoảng 30 - 40 người, khi đông có thể lên đến 100 người.
Anh Lê Trường (trú ở TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết: “Đến ngắm cảnh và tắm thác Tà Puồng là trải nghiệm thú vị khi được hòa mình với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác, núi rừng, hít thở bầu không khí trong lành. Đặc biệt, chúng tôi cũng được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Vân Kiều, như: Gà bản, cá suối, măng rừng, các loại rau...”.
Đến tham quan tại thác Tà Puồng, khách được phục vụ các món ẩm thực của đồng bào Vân Kiều. |
Phát triển du lịch, bảo đảm sinh kế
Là một trong những hộ dân tham gia tổ mô hình du lịch cộng đồng Tà Puồng hơn 3 năm qua, ông Hồ Văn Chương (SN 1962, ở thôn Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Việt) cho biết, từ khi tham gia tổ khai thác du lịch, ông vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao trách nhiệm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
“Những ngày thường thì tổ sẽ phân công người trực và hướng dẫn khách. Còn khi nào khách đến đông thì các thành viên trong tổ đều đến phục vụ. Mọi người ai cũng phấn khởi vì có việc để làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống”, ông Chương nói.
Theo anh Hồ Văn Giỏi, số tiền thu được từ phục vụ ẩm thực và các chi phí, sau khi cân đối sẽ được chia đều cho các thành viên. Mỗi tháng người dân có thêm thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/hộ. Tổ cũng trích một phần kinh phí để hỗ trợ các hoạt động khác tại địa phương. Nhờ tham gia vào tổ khai thác du lịch nên bà con đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.
“Việc khai thác du lịch ở Tà Puồng còn mang tính tự phát, chưa được quy củ. Để phát triển du lịch bài bản và chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Trong đó, phải đáp ứng được vấn đề đảm bảo an toàn, kỹ năng quản lý khai thác du lịch, các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... Mong rằng, chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ để hoạt động hiệu quả hơn”, anh Hồ Văn Giỏi bày tỏ.
Từ 3 năm nay, thác nước tại bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) và những cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Sa Mù đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách. Cùng với đó, mô hình homestay của đồng bào Vân Kiều cũng bước đầu phát huy hiệu quả.
Homestay của gia đình chị Hồ Thị Thiết (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng) được đầu tư khá hoàn chỉnh. Chị Thiết cho biết, kêu gọi được một dự án hỗ trợ một phần kinh phí, gia đình chị đã đầu tư thêm để cải tạo nhà, sửa sang phòng, xây nhà vệ sinh phục vụ khách lưu trú. Dù mới đưa vào khai thác từ sau Tết đến nay, nhà chị Thiết đã thu hút một lượng lớn du khách. Mỗi khách lưu trú chủ homestay được thu 100 nghìn đồng/đêm.
Chị Hồ Thị Ba, tổ trưởng du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh cho biết, tổ hiện có 16 thành viên cùng tham gia khai thác du lịch. Thời điểm này, thời tiết thuận lợi nên du khách đến đông. Hiện ở Chênh Vênh cũng có 2 homestay đã hoàn thiện với tên gọi Dong Bui của gia đình chị Hồ Thị Thiết và Sa Mù của anh Hồ Văn Quyết đã đưa vào khai thác.
Mô hình homestay của gia đình chị Hồ Thị Thiết thu hút được nhiều khách đến lưu trú. |
Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết, để mô hình phát triển hiệu quả hơn, sắp tới địa phương sẽ khởi công các tuyến đường vào thác Tà Puồng và động Klum, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng có định hướng bền vững.
Xã đã thống nhất chủ trương đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát, sản phẩm từ mây, tre, dệt vải… phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con.
Ông Nguyễn Hưng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, hiện địa phương có 17 mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng vùng miền như: Trải nghiệm tắm thác, tham quan rừng FSC, cánh đồng hoa, điện gió, tìm hiểu bản sắc văn hóa Pa Kô, Vân Kiều, nghỉ dưỡng... Những tháng đầu năm, địa phương đã đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thời gian tới sẽ phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ mở các lớp tập huấn về du lịch cho người dân. Đồng thời, đề nghị cấp trên hỗ trợ tháo gỡ bất cập, khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch nói chung và phát triển mô hình du lịch homestay, farmstay trên địa bàn huyện...