Đồng bằng sông Cửu Long gỡ khó khi thiếu hàng nghìn giáo viên

GD&TĐ - Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hàng nghìn giáo viên.

Học sinh Trường TH Thị trấn Năm Căn, Cà Mau.
Học sinh Trường TH Thị trấn Năm Căn, Cà Mau.

Để bảo đảm việc dạy học, nhiều nơi chọn giải pháp tình thế là phân công giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ hoặc hợp đồng, thỉnh giảng...

Khó tuyển giáo viên vì biên chế “nhỏ giọt”

Tính đến đầu năm học 2022 - 2023, tỉnh Kiên Giang có 611 đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông công lập, với 21.155 nhân sự (quản lý, giáo viên và nhân viên). Toàn tỉnh thiếu 1.105 giáo viên, trong đó mầm non 575, tiểu học 81, THCS 191 và THPT 258.

Trước mắt, các đơn vị, trường học phân công giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ và thực hiện chi trả cho giáo viên theo quy định nên cơ bản tỉnh giải quyết được khó khăn. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đối với môn Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT, tỉnh cho giáo viên THCS học liên thông lên đại học 1 năm để dạy.

Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, ngành Giáo dục đang gặp một số khó khăn về biên chế, do thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020; kế hoạch phổ cập giáo GDMN (mở rộng đến trẻ 3, 4 tuổi).

Theo quy định, tất cả học sinh lớp 1, 2, 3 phải được học hai buổi/ngày; học sinh lớp 3 có thêm môn học bắt buộc là tiếng Anh, Tin học; khối lớp 6 và lớp 10 có thêm môn học bắt buộc là Âm nhạc, Mỹ thuật… Từ đó, dẫn đến nhu cầu số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhưng chưa được bổ sung biên chế kịp thời.

Theo đại diện Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có 9.714 công chức, viên chức và người lao động ngành Giáo dục. Trong đó có 7.504 giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (572 giáo viên hợp đồng). Với số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện có, nếu tính theo định biên được giao thì toàn ngành còn thiếu trên 1.000 biên chế.

Qua rà soát của Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có 3.228 giáo viên mầm non (thiếu 343 giáo viên), 5.906 giáo viên tiểu học (thiếu 322 giáo viên), 4.579 giáo viên THCS (thiếu 207 giáo viên) và 2.080 giáo viên THPT (thiếu 112 giáo viên).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giải pháp được đưa ra là tuyển dụng nguồn giáo viên. Tuy nhiên, tỉnh khó tuyển đủ giáo viên như mong muốn, dù đã có cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng rất khó thu hút. Giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục cấp tiểu học và THCS vẫn khó tuyển, bởi đầu ra các ngành học này hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng là không nhiều.

Cụ thể, cấp mầm non thiếu 270 biên chế, tiểu học thiếu 374 biên chế, THCS thiếu 248 biên chế và THPT thiếu 108 biên chế. Còn nếu tính theo định mức giáo viên/lớp so với quy định thì toàn ngành thiếu khoảng 1.200 giáo viên...

Cô Trần Thị Hoa Thi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết, trường có một giáo viên dạy môn Tin học diện hợp đồng. Trường đã đề nghị cho tuyển biên chế giáo viên tiểu học đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định; nhất là môn tiếng Anh, Tin học để giáo viên yên tâm công tác.

Để bảo đảm việc dạy học, tỉnh Bạc Liêu chọn giải pháp tình thế là hợp đồng, thỉnh giảng để học sinh được học các môn bắt buộc. Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, qua thông báo tuyển dụng giáo viên, số ứng viên các môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn có số dư; còn lại nhiều vị trí dự tuyển không có số dư. Các trường thực hiện giải pháp như hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái, dạy liên trường... tạm thời bảo đảm cho việc dạy học.

Thầy trò Trường THCS Kim Hồng, Đồng Tháp.

Thầy trò Trường THCS Kim Hồng, Đồng Tháp.

Cần gỡ khó cho Giáo dục

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Kiên Giang, nguyên nhân thiếu giáo viên là do khi thẩm định biên chế, Trung ương không giao đủ số lượng theo kế hoạch của tỉnh mà căn cứ chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học để quyết định số lượng. Thực tế do sự biến động học sinh ở từng điểm trường khác nhau nên chuẩn học sinh/lớp và quy mô cấp học không thể thực hiện đúng quy định.

Từ năm 2018 đến nay, Kiên Giang đã sắp xếp giảm 88 trường và 294 điểm lẻ, hiện còn 611 trường với 655 điểm lẻ. Với điều kiện thực tế hiện nay, việc tiếp tục giảm các điểm lẻ cũng là bài toán nan giải.

Bên cạnh đó, tỉnh bắt buộc phải giảm biên chế theo tỷ lệ % cơ học hàng năm nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường do sự biến động học sinh và quy mô trường, lớp hàng năm tiếp tục diễn ra…

Tuy nhiên việc điều chuyển giáo viên khó thực hiện, vì vướng gia cảnh, phát sinh chi phí và chưa có chính sách hỗ trợ. Xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua không đạt hiệu quả, do đầu tư giáo dục không đem lại lợi nhuận cao.

Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT, để bảo đảm việc dạy học, ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang có quy hoạch mạng lưới trường, giải pháp về quỹ đất và tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, làm cơ sở giảm dần điểm lẻ theo từng giai đoạn.

Ngành cũng có chính sách hỗ trợ để thực hiện việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời dành kinh phí đào tạo chuẩn hóa để giáo viên có khả năng tham gia giảng dạy nhiều cấp học… Tuy nhiên, tỉnh cũng kiến nghị Bộ, ngành Trung ương khi thẩm định biên chế sự nghiệp giáo dục cần chấp nhận thực tế theo quy mô trường lớp hiện tại của từng tỉnh, khu vực và không quy định giảm biên chế tỷ lệ % cơ học như thời gian qua.

Để bảo đảm nguồn giáo viên, tỉnh Tiền Giang liên kết với Trường ĐH Tiền Giang đào tạo trên 1.200 giáo viên mầm non trình độ cao đẳng. Những bộ môn thiếu giáo viên, sở có cơ chế đặt hàng, trong đó gồm giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, Lịch sử - Địa lý…

Trao đổi về vấn đề biên chế giáo viên, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã có quyết định tăng thêm biên chế cho ngành Giáo dục đến năm 2025. Bộ GD&ĐT có văn bản tăng biên chế cho ngành Giáo dục gửi các địa phương. Trước mắt, sở trình và được Sở Nội vụ đồng ý thi tuyển giáo viên cấp THPT. Các cấp học khác sở tiếp tục rà soát, trình UBND tỉnh xem xét bổ sung kịp thời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.