Trong bài báo phân tích đăng trên tạp chí The National Interest, nhà phân tích Jeff Daier cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ áp dụng biện pháp mà từ trước đến nay chưa có Tổng thống nào của Mỹ áp dụng để kiềm chế Triều Tiên, đó là ban hành lệnh cấm vận đối với các công ty của Trung Quốc có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Theo ông Daier, mỗi một Tổng thống trong 3 đời tổng thống gần đây của Mỹ khi tiếp quản ghế chủ nhà Nhà Trắng đều nhận được một cặp giấy với tiêu đề “Triều Tiên”.
Mỗi người trong số họ đều được đề nghị phải làm gì đó với quốc gia cô lập đầy bí ẩn nhưng có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân vươn đến Mỹ này. Tuy nhiên, cả 3 tổng thống gần nhất của Mỹ đều cho rằng tốt nhất là nên “nhắm mắt làm ngơ” với Triều Tiên và để vấn đề này cho người đến sau giải quyết.
Mặc dù vậy, họ vẫn cố gắng đạt được kết quả nào đó bằng cách vừa tiến hành đàm phán, vừa tiến hành cấm vận để Bình Nhưỡng có thể từ bỏ các kế hoạch hạt nhân của mình.
Tất cả các nỗ lực này đều thất bại và những người đứng đầu Nhà Trắng chỉ có cách hy vọng rằng vào thời điểm nào đó, Bắc Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đàm phán. Chính quyền Tổng thống Obama thậm chí còn đặt tên cho cách nghĩ này là “sự nhẫn nhịn chiến lược”.
Tuy nhiên, ông Daier cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không có được “sự xa xỉ” này và sẽ tìm mọi cách để giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên. Theo đó, ông Donald Trump sẽ không trì hoãn giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân là do sau 5 lần thử hạt nhân, cho dù có thành công và có thất bại, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã tiếp cận được mức độ mới không thể coi thường.
Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ sắp mãn nhiệm James Clapper, sẽ là “mù quáng” nếu tiếp tục ép Bình Những phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vì Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân như là sự đảm bảo chắc chắn cho việc họ không bị hủy diệt.
Thất bại của 3 tổng thống Mỹ gần đây được giải thích là do họ vẫn cố gắng thực hiện biện pháp đầy phức tạp nhưng không hiệu quả (cấm vận kết hợp đàm phán). Hiện nay, bối cảnh tình hình đã khác đi và Bình Nhưỡng không còn là ngưỡng cửa mà đã trở thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ.
Với những thành công của mình, Bình Nhưỡng ngày càng đề cập nhiều hơn đến việc thực hiện các vụ tấn công phủ đầu hạt nhân vào các hệ thống tên lửa của Mỹ và các địa điểm trọng yếu của Mỹ. Do đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chú ý đến hai yếu tố là Bình Nhưỡng có thể tấn công hạt nhân vào Seoul (Hàn Quốc) và Trung Quốc có thể sẽ trợ giúp cho đồng minh của mình.
Chính vì vậy, một mặt ông Donald Trump có thể “xuống nước” để quay trở lại bàn đàm phán trước khi Bình Nhưỡng chịu có nhượng bộ nào đó. Tuy nhiên, chủ đề đàm phán vẫn chưa rõ ràng. Bình Nhưỡng có thể đòi hỏi Mỹ có hàng loạt cam kết để không phá vỡ bối cảnh an ninh toàn khu vực.
Mục đích của Triều Tiên là được Mỹ thừa nhận là cường quốc hạt nhân chính thống- điều luôn bị Mỹ phản đối. Hiện Donald Trump vẫn chưa giải quyết êm thấm các vấn đề nội bộ.
Donald Trump đã rất vất vả để đạt được sự nhất trí của các cộng sự trong đảng Cộng hòa về một số vấn đề đối nội nên không muốn tiếp tục bị nội bộ chỉ trích về vấn đề Triều Tiên.
Do đó, nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ áp dụng biện pháp mà trước đây chưa có tổng thống nào thử thực hiện- tiến hành các lệnh cấm vận chống Trung Quốc. Mỹ đã tiến hành cấm vận trực tiếp với Triều Tiên nhưng điều đó không hề ảnh hưởng gì đến các công ty Trung Quốc tiến hành buôn bán, trao đổi thương mại với phía Triều Tiên.
Mỹ có thể sẽ thể hiện để Trung Quốc thấy rằng hặc là Mỹ sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể, hoặc là Trung Quốc phải gây áp lực lên đồng minh của mình để họ từ bỏ vũ khí hạt nhân, hoặc Trung Quốc sẽ phải tự gánh hậu quả. Hậu quả này có thể là ở chỗ Mỹ sẽ tăng cường các hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
Mặc dù hiện chưa có gì đảm bảo biện pháp này sẽ thành công nhưng chính quyền ông Donald Trump khi đó có thể khẳng định rằng nếu như cách tiếp cận này thất bại thì họ có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên.