Với bậc mầm non, do đặc thù về độ tuổi nên số lượng trẻ trở lại lớp học trực tiếp có nơi còn chưa cao. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non cả công lập lẫn ngoài công lập đều tìm cho mình những giải pháp phù hợp để cải thiện tình trạng trên.
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa (huyện Lý Nhân) cho hay: Khi được phép mở cửa trở lại, nhà trường cũng gặp phải khó khăn về số trẻ tới lớp.
Cuối tháng 11/2021, tỷ lệ trẻ tới lớp đạt chưa tới 50%. Tuy nhiên, bằng các giải pháp khác nhau, tỷ lệ này đã tăng đáng kể khi hiện có khoảng 160 trẻ tới trường. Để thu hút học sinh trở lại, nhà trường đã thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ các ngày trong tuần, kể cả Chủ nhật ngay từ đầu năm học. Nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính với phụ huynh học sinh, nhà trường không tăng học phí. Tập trung rà soát và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất.
“Xác định lấy chất lượng làm đầu và phải có sự vượt trội khác biệt, nhà trường tích cực bồi dưỡng đội ngũ, tạo cảnh quan môi trường, trang trí lớp học sinh động và tạo môi trường mở để trẻ hoạt động. Các lớp đều có nhóm Zalo riêng và có sự tham gia của cả ban lãnh đạo nhà trường để kiểm soát nội dung trao đổi của giáo viên với phụ huynh. Từ đó sẽ có sự điều chỉnh, hướng dẫn phụ huynh về phương pháp phối hợp nhằm đảm bảo an toàn, giáo dục các kỹ năng phòng chống dịch, cách nuôi dạy trẻ khoa học, chế độ dinh dưỡng tùy độ tuổi. Trong thời gian học online ở nhà, phụ huynh cũng có thể chuẩn bị đồ dùng để dạy con bằng các vật liệu sẵn có. Ví dụ, có thể sử dụng nút chai, viên sỏi, tờ lịch để dạy trẻ về số đếm. Trẻ phải có đồ dùng trực quan thì mới tiếp thu bài tốt”, cô Hà nhấn mạnh.
Còn theo cô Nguyễn Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Tân (TP Phủ Lý), để duy trì sĩ số trẻ đến trường trong tình hình dịch hiện nay, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, cho trẻ trải nghiệm để thu hút sự đam mê thích thú; xây dựng môi trường thân thiện với trẻ.
Đồng thời, duy trì nền nếp thói quen cho cô và trẻ trong việc vừa học, vừa phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn nhằm tạo niềm tin cho cha mẹ trẻ yên tâm khi gửi con tại trường. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ đến trường đạt 80 – 85%. Đồng thời, các giáo viên làm tốt công tác tuyên truyền tới cha mẹ trẻ về việc phối hợp với nhà trường cùng chăm sóc giáo dục các cháu, đảm bảo cho trẻ đạt được kết quả mong đợi theo chương trình giáo dục mầm non.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nam, tỷ lệ trẻ ra lớp trên địa bàn: Nhà trẻ có 10.561/26.283 trẻ, đạt tỷ lệ 40,18%; mẫu giáo có 41.959/42.647, đạt tỷ lệ 98,37%. Để duy trì số trẻ mầm non ra lớp, các đơn vị đã chú trọng công tác tuyên truyền tới phụ huynh về tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường, các nguy cơ có thể xảy ra khi trẻ không đến trường như đuối nước và tai nạn thương tích. Các trường điểu chỉnh, lựa chọn nội dung cốt lõi thực hiện Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với thời gian còn lại của năm học, quan tâm đến việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.