Tết không được làm bất kì việc gì
Những ngày đất trời vào xuân, thời tiết của cao nguyên đất đỏ bazan luôn tràn ngập cái nắng, cái gió. Khi tiết trời, lòng người nơi nơi đang hân hoan một mùa xuân mới, thì cũng là lúc người dân tộc Bahnar ở huyện Kông Chro (Gia Lai) lại tất bật trong dịp Tết của dân tộc mình.
Người dân tộc Bahnar ở Kông Chro tổ chức Tết không phải để tiễn đưa năm cũ và đón chào một năm mới, mà là để xin phép cho bắt đầu việc nương rẫy của một vụ mùa mới. Chính vì vậy, với người Bahnar đây là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm, là ngày để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như sự cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình lên Yàng (trời), thần linh và cả những người đã khuất.
Thời gian một năm của người Bahnar được tính bằng một mùa nương rẫy. Theo phong tục, sau khi thu hoạch mùa màng, tất cả mọi người dân trong mỗi làng đều không được làm bất kì việc gì liên quan đến nương rẫy khi chưa được tổ chức lễ cúng Smăh Cơ Cham mà người Kinh hay gọi là Tết. Và trong suốt thời gian chờ đợi Tết, người dân hầu như chỉ quanh quẩn trong làng và chuẩn bị rượu cần, heo, gà… cho ngày lễ.
Người Bahnar vui hết mình trong 3 ngày Tết
Người Bahnar trong huyện Kông Chro, ở mỗi làng lại có một cái Tết, không nhất thiết Tết phải trùng một ngày. Tết to hay nhỏ còn phụ thuộc vào kết quả thu hoạch của mùa vụ. Tết không phải của riêng ai mà là của cả cộng đồng. Khi đã chọn được ngày ưng ý, các già làng sẽ họp lại làm công tác chuẩn bị. Bắt đầu bằng những công việc rất nhỏ: Chị em phụ nữ xuống suối bắt cá, đi hái rau rừng..., các chàng trai vào rừng săn bắn lấy thực phẩm cho 3 ngày tết.
Khi bắt đầu phần lễ cũng là lúc toàn bộ các thành viên trong làng từ già trẻ, gái trai cùng nhau trong những bộ trang phục truyền thống kéo nhau đến khu vực nhà Rông. Hàng trăm ghè rượu cần của các gia đình đều được xếp thành từng cặp đối xứng nhau kéo dài từ đầu nhà Rông đến cuối nhà. Riêng ghè rượu (ghè Yàng) cao nhất, to nhất được đặt ở gian giữa để hiến tế các vị thần.
Già làng tiến hành lễ cúng các thần linh xin cho một mùa màng bội thu, vật nuôi trong nhà không dịch bệnh. Sau đó, già làng sẽ báo cáo với Yàng xin phép mở hội. Khi phần lễ kết thúc, cũng là lúc tiếng cồng, chiêng được các nam thanh, nữ tú của làng đánh vang lên rộn rã theo từng bài hát, những người già, trẻ, gái, trai bước vào phần hội.
Khi men rượu cần đã “ngấm” dần vào cơ thể, là lúc mọi người trong làng đoàn kết nắm tay nhau cùng thăng hoa trong các điệu múa xoang, tiếng hát, tiếng cồng, chiêng hòa quện vào nhau vút lên không trung làm cho niềm tin vào một mùa màng bội thu, chiến thắng thiên tai, dịch bệnh càng được tăng gấp bội.
Cứ như vậy, lễ Tết kéo dài đến trong 3 ngày. Tất cả mọi người cùng ăn, cùng ngủ và cùng nhảy múa trong suốt dịp Tết. Khiến sự đoàn kết, tính cộng đồng của người dân trong làng được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết.
Già làng Đinh Văn Tui (SN 1932) cho biết: “Trong 3 ngày Tết, để tỏ lòng thành kính của mình lên “đấng tối cao”, tất cả người dân trong làng không được đi đâu ra khỏi làng. Khi tổ chức Tết xong, người dân trong làng mới được tự do làm việc nương rẫy, nếu ai làm trái với luật tục của làng thì sẽ bị Yàng phạt, dân làng kéo đến bắt vạ”.