Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với diễn biến dịch ở TPHCM là số bệnh nhân nặng có xu hướng tăng trong 9 ngày qua. Nếu ngày 28/7, có 744 người cần thở máy thì ngày 5/8 tăng lên đến 1.316 người.
Đi liền với đó, số người tử vong do Covid-19 tại tâm dịch này cũng tăng. Ngày 20/7, ghi nhận 23 người chết, nhưng sau đó một ngày đã có tới 58 trường hợp tử vong và liên tục 6 ngày sau đó số ca tử vong đều hơn 50 người/ngày. Đơn cử, như ngày 5/8, toàn thành phố ghi nhận 214 trường hợp tử vong.
Nhận định về diễn biến dịch bệnh tại địa phương, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, số người chuyển nặng nhiều, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, trang thiết bị hạn chế tạo ra áp lực lớn.
Ngành y tế đang quá tải, việc tiếp nhận bệnh nhân có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp. “TP phải tổ chức lại, cải tiến rút ngắn thời gian một số quy trình. Với tinh thần 5 tại chỗ, TP sẽ tập trung cao cho nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị”, ông Mãi cho hay.
TP tổ chức lại và rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu, đồng thời đảm bảo sự liên thông giữa các tầng điều trị.
TP yêu cầu các bệnh viện luôn mở cổng, không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân trong mọi tình huống. Ngành y cũng đề xuất thành lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến ở các địa bàn.
Ngoài việc mở rộng năng lực điều trị cho các tuyến, chuyển đổi công năng bệnh viện thu dung lên tầng điều trị Covid-19 và mở rộng, bổ sung số bệnh viện ở tầng 5 với sự trợ giúp của Trung ương... TP cũng sẽ tập trung chăm lo đời sống của dân, tiếp tục ngăn ngừa ca mắc mới, bảo vệ “vùng xanh”, tăng tiến độ tiêm vắc-xin...
Ở hai điểm nóng khác là Bình Dương và Hà Nội, cơ quan chức năng cũng có nhiều động thái mạnh nhằm tăng cường việc kiềm chế dịch bệnh lây lan. Hà Nội ngay trong chiều 6/8 đã thông báo tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới ngày 23/8.
Trong khi Bình Dương, dù dự báo nguy cơ số người nhiễm Covid-19 có thể lên tới 30 nghìn, vẫn được Chính phủ yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện Chỉ thị 16, cố gắng chậm nhất đến 30/8 phải kiểm soát được dịch bệnh.
Ở cấp độ khác, nhận định dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tăng cường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả.
Một số công việc cần tập trung như giảm tối đa trường hợp tử vong; Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin; Quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu; Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân mà Chính phủ đã ban hành.
Mục tiêu kiềm chế tiến tới kiểm soát dịch bệnh và chăm lo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng là rất rõ ràng với những chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ. Vấn đề là các địa phương - căn cứ vào thực tế, khả năng và tiềm lực - chủ động, linh hoạt và quyết tâm thực hiện mục tiêu trên như thế nào.
Cùng với đó, là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với bản thân, gia đình và xã hội trong việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn chung. Chỉ khi có sự quyết tâm, đồng lòng từ trên xuống dưới chúng ta mới cùng nhau vượt qua được thời điểm gian khó này.