Đón học sinh trở lại trường: An toàn là trên hết

GD&TĐ - Một số tỉnh, thành phía Nam đang từng bước chuẩn bị cho việc đón học sinh đi học trở lại. Bên cạnh các tiêu chí về chất lượng giảng dạy, đảm bảo an toàn cho học sinh và nhà trường là yếu tố tiên quyết.

Học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong giờ học trước ngày 27/4/2021.
Học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong giờ học trước ngày 27/4/2021.

Dự kiến 11/10 cho học sinh đầu tiên của TPHCM tới trường

Theo thầy Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), trong buổi làm việc ngày 30/9, Sở GD&ĐT TPHCM đã đồng ý về mặt chủ trương với ý kiến xin mở cửa trường lại ở xã Thạnh An, nhưng dời lại ngày đến trường với dự kiến sớm nhất là ngày 11/10, thay vì 4/10.

“Trường có 5 lớp thuộc khối 6, 9, 12 với 131 học sinh, trong đó khối 12 có 30 em/lớp, các lớp còn lại chỉ hơn 20 em/lớp. Với sĩ số này khi học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19, trường không phải tách lớp, vẫn đảm bảo chỗ ngồi theo giãn cách. Nếu chính thức được đón học sinh trở lại, trường dự kiến tổ chức dạy trực tiếp 50% số tiết theo thời lượng chương trình kết hợp với học trực tuyến và tự học trên hệ thống quản lý học tập (LMS). Học sinh chỉ học 1 buổi/ngày…”, thầy Nguyễn Bảo Ngọc thông tin.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An, hơn 90% giáo viên, nhân viên của trường đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, số còn lại do đang kẹt tại các tỉnh, thành ngoài TPHCM. Nếu chiếu theo dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại các đơn vị trường học của Sở GD&ĐT TPHCM, trường đạt 95/100 điểm. Tuần sau, nhà trường tiến hành diễn tập các kịch bản ứng phó đi đón học sinh trở lại.

Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) cũng xây dựng phương án theo bộ tiêu chí phòng chống dịch của Bộ Y tế. Giáo viên 100% đã tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2 đạt 26/30 người.

Theo hiệu trưởng nhà trường, với 112 học sinh khối 1, 2, mỗi lớp hơn 20 em, trường sẽ giãn cách chỗ ngồi, không tách chia lớp. Trước đó, nhà trường tiến hành tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập; phối hợp với lãnh đạo xã và trạm y tế xây dựng phương án nếu có học sinh nghi ngờ nhiễm.

Năm học 2021 - 2022, xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ, TPHCM có gần 600 học sinh gồm các trường Tiểu học Thạnh An; THCS - THPT Thạnh An. Như vậy, theo đề xuất học sinh phổ thông (khối lớp 1, 2, 6, 9, 12) đến trường có gần 250 em đi học lại.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM có tờ trình UBND TPHCM về phương án mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường. Tính đến ngày 29/9, TPHCM có 11 quận, huyện, TP công bố kiểm soát được dịch gồm: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Quận 5, Quận 1, Quận 3 và TP Thủ Đức. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học đối với những địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại diện Phòng GD&ĐT Quận 7 cho rằng để có thể mở cửa trường học, tiêu chí đầu tiên phải là an toàn tuyệt đối cho tất cả HS, GV. Ngành GD-ĐT quận đã chuẩn bị các phương án nhưng không thể nói trước ngày nào sẽ đón HS quay trở lại trường bởi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại trường học vẫn đang chờ TP quyết định trong khi HS vẫn chưa được tiêm vắc-xin. Hơn 80% giáo viên ở Quận 7 đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, còn lại một số thầy cô đang ở các tỉnh. Nhiều cơ sở giáo dục trưng dụng để phòng chống dịch cũng đã bàn giao lại cho ngành GD-ĐT nhưng cần thời gian tu sửa.

Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) dự kiến đón học sinh trở lại vào ngày 11/10.
Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) dự kiến đón học sinh trở lại vào ngày 11/10.

Đồng Nai nhiều tín hiệu khả quan

Tỉnh Đồng Nai vẫn còn hơn 200 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một số địa phương “vùng xanh” dần nới lỏng giãn cách đã tính toán đến phương án bàn giao cơ sở giáo dục để các nhà trường sử dụng cho việc dạy    và học.

Cụ thể, một số địa phương như Long Khánh, Cẩm Mỹ, việc kiểm soát dịch bệnh diễn tiến khá tốt, phần lớn các xã, phường, thị trấn chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị 15 thay cho Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Một số địa phương có số lượng xã đạt tiêu chí “vùng xanh” nhiều ngày không phát hiện F0 cũng nghĩ đến chuyện giải thể các khu cách ly trong trường học do không còn nhu cầu sử dụng.

Theo ông Trần Công Nghị, Trưởng phòng GD&ĐT TP Long Khánh (Đồng Nai),  đa số cơ sở giáo dục của thành phố đã được bàn giao lại cho các nhà trường, do số lượng F0 được điều trị tại các bệnh viện, còn F1 cách ly ở trường học còn số lượng không nhiều. Các trường khi tiếp nhận lại cơ sở vật chất đã nhanh chóng sắp xếp ổn định lại phòng học, đồng thời tổ chức lại một số hoạt động chuyên môn, là nơi để phát sách giáo khoa cho học sinh…

Trong khi đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh ủy đã đồng ý với đề nghị của Sở GD&ĐT tỉnh này về việc cho học sinh huyện Côn Đảo tới trường học trực tiếp, bắt đầu từ ngày 4/10. Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, nếu tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt, dự kiến đầu tháng 11 sẽ cho học sinh tại 7 huyện, thị xã, thành phố còn lại tới trường học tập bình thường.

Phía Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hiện nay có hàng chục trường học trên địa bàn được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung. Sở này đề nghị UBND tỉnh giao lại để nhà trường chuẩn bị dọn dẹp, đón học sinh đến học trực tiếp. Đồng thời, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành bàn giao lại những trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly cho Sở GD&ĐT trước ngày 25/10 để ngành Giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.

Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai -thông tin: UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát lại các cơ sở giáo dục trước đây được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến bàn giao lại cho ngành GD-ĐT địa phương. Việc mở lại trường học để đón học sinh đến trường, nhất là tại các huyện “vùng xanh” đang được Sở GD&ĐT nghiên cứu, có thể mở cửa thí điểm ở một số nơi. Tuy nhiên, đây là việc rất khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần được nghiên cứu kỹ, có phương án cụ thể. Biện pháp an toàn nhất để mở lại trường học, đó là phải sớm có vắc-xin tiêm ngừa Covid-19 cho học sinh các bậc học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.