Đòn dụ đối phương tấn công của Mỹ

GD&TĐ - Theo War Zone, quân đội Mỹ đang thử nghiệm chiến thuật phát tín hiệu giả để hút hỏa lực pháo binh đối phương vào hệ thống mồi bẫy.

Hệ thống radar phản pháo của Mỹ.
Hệ thống radar phản pháo của Mỹ.

Chiến thuật mới của Mỹ đang được Lữ đoàn Bộ binh Chiến đấu số 3 thuộc Sư đoàn Sơn cước số 10 lục quân Mỹ thử nghiệm, trong đó triển khai thiết bị tác chiến điện tử chuyên phát tín hiệu giả bên cạnh mô hình bơm hơi, nhằm dụ đối phương tấn công và lộ vị trí, giúp đơn vị phản pháo tung đòn đáp trả.

Quá trình được tiến hành trong cuộc diễn tập hồi tháng 1, nhưng đến giờ mới được Đại tá Josh Glonek, chỉ huy Lữ đoàn 3, tiết lộ. "Lục quân Mỹ đang cố gắng thích nghi, tìm hiểu thêm về vấn đề triển khai nhiều hệ thống tác chiến điện tử ở cấp lữ đoàn và thấp hơn", đại tá Mỹ nói.

Ông Glonek cho biết đơn vị của ông đã thực hành chiến thuật này trong diễn tập ở Đức. Các đội chuyên trách của Lữ đoàn 3 đã dùng hệ thống tác chiến điện tử để phát hiện và đánh lừa đơn vị đóng vai quân địch.

"Đơn vị chúng tôi thăm dò tín hiệu mà đối phương tìm kiếm, sau đó triển khai bộ phát những tín hiệu đó cạnh mô hình bơm hơi. Điều này khiến đối phương nhắm mục tiêu vào mồi nhử thay vì khẩu pháo thật được ngụy trang kỹ lưỡng", đại tá Glonek nói.

Vị chỉ huy này không cung cấp thêm chi tiết về loại mồi nhử hoặc thiết bị phát tín hiệu đánh lừa sử dụng. Ông cho biết đối phương thường triển khai máy bay không người lái (UAV) hoặc trinh sát để xác thực mục tiêu, sau đó bắn phá mục tiêu giả.

"Chúng tôi muốn họ làm như vậy và đã triển khai radar phản pháo để phát hiện đường đạn, cũng như vị trí khai hỏa. Lực lượng pháo binh sau đó phản kích và phá hủy trận địa đối phương", ông tiết lộ.

Chiến thuật dùng mồi nhử để đánh lừa và khiến đối phương tiêu tốn thời gian, nguồn lực và để lộ vị trí không phải điều mới. Chiến thuật đánh lừa các hệ thống trinh sát bằng thiết bị phát tín hiệu giả cũng đã được áp dụng trong nhiều cuộc chiến từ lâu.

Nhưng lục quân Mỹ gần đây mới thử nghiệm các chiến thuật tương tự, nhằm kiểm tra năng lực tác chiến điện tử và mở rộng khả năng đối phó với hoạt động của đối phương. Đây cũng là một phần chương trình hiện đại hóa quy mô lớn của quân đội Mỹ.

Cách hút hỏa lực đối phương mà Lữ đoàn 3 lục quân Mỹ áp dụng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống tác chiến điện tử, cũng như mối đe dọa ngày càng tăng trên mặt trận vô hình của sóng điện từ. Những cuộc xung đột gần đây cũng cho thấy ưu thế trong tác chiến điện tử có thể quyết định thắng bại trên chiến trường.

Đại tá Glonek nói: "Chúng tôi rất chú ý đến mặt trận tác chiến điện tử trong xung đột hiện đại, bất cứ ai nghiên cứu kỹ đều có thể thấy tình hình thay đổi rất nhanh chóng. UAV có thể hoạt động tốt hôm nay, nhưng không cất cánh nổi vào hôm sau vì môi trường tác chiến điện tử thay đổi rất nhanh".

Vị chỉ huy này nhận định công nghệ tác chiến điện tử đang phát triển rất nhanh, thay đổi hàng ngày. Ông đặt dấu hỏi về sự chậm trễ của lục quân Mỹ trong hiện đại hóa năng lực tác chiến điện tử, vốn bị xói mòn nghiêm trọng kể từ khi Liên Xô tan rã.

Lục quân Mỹ những năm qua nhận thấy rằng tín hiệu điện tử đang tạo ra nhiều lỗ hổng an ninh nghiêm trọng trong các đơn vị tác chiến. Những lỗ hổng này sẽ ngày càng gia tăng khi các đơn vị được tích hợp thêm mạng lưới thông tin và hệ thống điện tử mới.

"Che mắt đối phương giúp một đơn vị sống sót lâu hơn trên chiến trường. Tuy nhiên, tín hiệu điện tử của đơn vị đó sẽ là vấn đề lớn hơn nhiều trong chiến tranh hiện đại. Nếu để lộ dấu vết điện tử, mọi biện pháp ngụy trang đều không còn quan trọng, dù có tốt đến đâu", cựu đại tá lục quân Mỹ Scott Woodward, cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ