Đón đồng bào từ vùng dịch

GD&TĐ - Cuối cùng thì Quảng Ngãi cũng tổ chức đón công dân của tỉnh mình bị mắc kẹt gần một tháng qua tại Đà Nẵng trở lại quê nhà hôm 22/8. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau khi hay tin Ban phòng chống dịch loan báo tình trạng giãn cách xã hội cùng quy định “nội bất xuất ngoại bất nhập” tại Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua, hàng nghìn người dân Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đang làm ăn và học tập tại Đà Nẵng đã “vượt rào” bằng đủ các loại phương tiện để trở lại quê nhà, gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chống dịch của hai tỉnh nói trên.

Riêng công dân của Quảng Ngãi thì chấp nhận “thúc thủ” với Đà Nẵng, chờ giải cứu từ các cấp chính quyền. Đây được xem như một cách hành xử rất đáng ghi nhận về tinh thần tự giác chống dịch của người dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chịu đựng 14 ngày giãn cách như thông báo của Ban phòng chống dịch thì có thể gắng gượng nhưng để chịu đựng lâu hơn - nhất là khi dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn chưa có điểm dừng – với họ, dường như hơi quá sức.  

Theo danh sách đăng ký với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, có đến 700 người đang học tập và làm ăn tại Đà Nẵng có nhu cầu rời khỏi thành phố này để về quê. Trong gần một tháng qua, người dân Đà Nẵng và chính quyền thành phố này cũng như đồng bào cả nước đã cưu mang và chia sẻ những khó khăn với họ bằng nhiều hình thức, từ đồ chống dịch cho đến lương thực thực phẩm.

Tuy nhiên, đã đến lúc, chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng tỉnh Quảng Ngãi cần tìm một giải pháp căn cơ để “giải thoát” cho số công dân này. Họ là những sinh viên, công nhân, người bán vé số dạo… cần được về quê để giảm gánh nặng cho Đà Nẵng đồng thời cũng tự cứu mình giữa lúc dịch dã chưa biết đến khi nào chấm dứt để trả lại cuộc sống bình thường cho mọi người.

Để đi đến quyết định “đón đồng bào về quê” này, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nhiều lần cân nhắc. Không phải họ sợ tốn kém nhưng tỉnh nhà cũng đang có dịch, nhiều khu dân cư đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều trường học với hàng trăm học sinh lớp 12 phải hoãn thi lần thứ nhất, bây giờ đón hàng trăm người từ vùng dịch trở về, nếu không có một kế hoạch thật bài bản, an toàn tuyệt đối thì vô tình “rước họa vào thân”.

Sáng sớm 22/8, hàng trăm người quê Quảng Ngãi tập trung tại Quảng trường 2 Tháng 9 của Đà Nẵng đã vỡ òa khi nhìn thấy những chiếc xe mang biển số 76 (biển số Quảng Ngãi) xuất hiện tại đây. Không một ai có biểu hiện nhiễm bệnh SARS-CoV-2 nhưng tất cả đều được đưa về các điểm tập trung theo quy định để thực hiện cách ly 14 ngày. Hôm qua, 24/8, tất cả các mẫu xét nghiệm số công dân này đều âm tính lần 1.

Đây là một tín hiệu vui cho các nhà tổ chức “giải cứu công dân” lẫn những người từ Đà Nẵng trở về. Thông tin này càng làm cho Ban phòng chống dịch và chính quyền tỉnh này mạnh dạn tháo dỡ giãn cách xã hội cho tất cả các khu vực có người bị nhiễm Covid-19, đồng thời cho phép tất cả các hàng quán, các điểm giải trí mở cửa trở lại vào sáng 24/8.

Các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi vẫn thường “đón đồng bào”, nhưng là đón họ về quê ăn Tết, không gợn một chút cảnh giác nào về dịch bệnh. Riêng lần này, “đón đồng bào” trong một tâm thế khác. Nhưng dù là đón ở một tâm thế như thế nào đi nữa thì những vòng tay dang ra để đón nhận ấy luôn ấm áp nghĩa tình.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ