Dấu mốc rất quan trọng
Theo đại diện Ban QLĐSĐT, sau lễ tiếp nhận, các bộ phận chuyên trách sẽ vận hành thử nghiệm trong khu vực depot. Thử nghiệm 11 hệ thống phục vụ công tác vận hành chạy tàu như hệ thống điện, thông tin tín hiệu, theo dõi điều khiển tàu...
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Ban QLĐSĐT TPHCM khẳng định việc nhập khẩu, vận chuyển thành công đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 là một trong các dấu mốc rất quan trọng của dự án. Nó đánh dấu việc chính thức chuyển giai đoạn của dự án từ tập trung thi công xây lắp sang giai đoạn thử nghiệm – vận hành.
“Đây cũng là một minh chứng tiêu biểu cho việc chung sức phối hợp, cùng nhau vượt qua các khó khăn trở ngại của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn. Sự theo dõi và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo thành phố.
Sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng JICA tại Việt Nam trong việc vượt qua các khó khăn trở ngại của dự án, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các bên đã cùng nhau kiên trì, từng bước tháo gỡ, giải quyết khó khăn” - Giám đốc Ban QLĐSĐT TPHCM phát biểu.
Hiện, một số thiết bị, vật tư quan trọng của dự án đã được nhập khẩu và đưa về công trường. Một số chuyên gia đã được nhập cảnh, tiến hành cách ly y tế an toàn để đủ điều kiện tham gia thực hiện các công việc của dự án.
Trong thời gian tới, đoàn tàu sẽ được tiến hành vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. Quý I năm 2021, vận hành thử nghiệm trong depot. Dự kiến Quý III năm 2021 vận hành thử nghiệm từ Depot đến Bình Thái.
Quý IV vận hành thử nghiệm từ Depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như: Hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray... Từ thời điểm này, công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo về Việt Nam sẽ được tăng tốc theo tiến độ thực hiện của Dự án.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: “Đây là một sự kiện mà nhân dân thành phố và cá nhân tôi đã trông đợi từ lâu. Tôi cho rằng, sự xuất hiện của những toa tàu màu xanh “made in Japan” những ngày qua đã đem lại không ít háo hức cho người dân thành phố”.
Dự án đã hoàn thành 77% tổng khối lượng
Dự án tuyến Metro số 1 được TPHCM đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của TP. Đây là dự án tiên phong của TPHCM về đường sắt đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán về hạ tầng giao thông đô thị.
Theo kế hoạch, Ban QLĐSĐT và các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giữ vững tiến độ và mục tiêu của dự án, đồng thời khắc phục tiến độ các hạng mục bị chậm do dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km, 14 nhà ga, đã hoàn thành khoảng 77% tổng khối lượng, với 41.000.000 tổng giờ công lao động an toàn trên các công trường. Một số hạng mục quan trọng đã hoàn thành như kết nối thông suốt toàn tuyến vào ngày 17/2.
Hoàn thiện kết cấu toàn bộ 11 nhà ga trên cao, 2/3 nhà ga ngầm để chuyển sang giai đoạn thi công kiến trúc hoàn thiện, lắp đặt cơ & điện. Hoàn thành lắp đặt 23/32 km đường ray (đạt 72%). Nhập khẩu thiết bị chuyên dụng cho công tác bảo dưỡng, lắp đặt trong khu vực depot. Nhập khẩu và tiến hành lắp đặt các thiết bị phục vụ công tác chạy tàu…
Tàu metro do Nhật Bản sản xuất. Những đoàn tàu metro ban đầu sẽ có 3 toa xe (chiều dài 61,5 m), sau đó là 6 toa (dài 121,5 m). Tàu có tải trọng trục lớn nhất 16 tấn, thiết kế với tốc độ tối đa 110 km/giờ cho đoạn trên cao và 80 km/giờ cho đoạn hầm. Với tàu 3 toa xe sẽ vận chuyển được 147 khách ngồi và 783 khách đứng (tổng cộng 930 khách).
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã được thành lập với vai trò quản lý, khai thác. Mới đây, công ty này đã thông báo tuyển dụng 180 lái tàu để đưa đi đào tạo, sẵn sàng cho việc vận hành dự án sau khi hoàn thành.
Như vậy, sau một số lần điều chỉnh lùi thời hạn hoàn thành cũng như kinh phí thực hiện dự án, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã có những tín hiệu khởi sắc. Như lời của ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại sự kiện: “Chúng ta đến đây không chỉ đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1, mà còn cùng nhau hướng về những cột mốc quan trọng tiếp theo của dự án. Đó là việc bàn giao các đoàn tàu tiếp theo và bảo đảm mục tiêu đưa dự án vào vận hành cuối năm 2021”.