Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Nhà thầu phụ bị chiếm dụng vốn?

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Nhà thầu phụ bị chiếm dụng vốn?

Nhà thầu chính là Công ty GS Engineering & Construction Corp - bị tố có những hành xử không phù hợp.

Gói thầu nhiều lần thay đổi thiết kế, chậm thanh toán

Mới đây, ngày 9/5, nhiều công nhân của Nhà thầu phụ là Công ty CP Cơ điện Liên Thành Việt Nam (LITHACO) đã kéo ra công trường tại Depot Long Bình (P. Long Bình, Q.9, TPHCM) thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khiếu nại nhà thầu chính. Cụ thể, nhóm công nhân này treo băng rôn với các khẩu hiệu “Phản đối nhà thầu GS Hàn Quốc bắt nạt nhà thầu Việt Nam”, “Phản đối nhà thầu GS Hàn Quốc vi phạm hợp đồng”, “Phản đối nhà thầu GS Hàn Quốc chiếm giữ tài sản”...

Theo ông Trần Quốc Tâm - đại diện LITHACO, công ty đang là nhà thầu phụ (hạng mục điện khu Depot và 3 nhà ga B, C, D) với Công ty GS Engineering & Construction Corp (Công ty GS E&C) tại gói thầu số 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) từ năm 2017. Giá trị hợp đồng là 78 tỷ đồng.

Ông Tâm cho hay, sau khi ký hợp đồng thầu phụ, LITHACO luôn thực hiện công việc tốt nhất, gần như hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ của mình. Duy trì lượng nhân công và kỹ sư tại công trường. Các bên đã có 17 kỳ nghiệm thu, thanh toán từ Công ty GS E&C.

Tuy nhiên, phía LITHACO cho biết quá trình thực hiện dự án bị kéo dài dẫn tới giá trị nguyên vật liệu bị trượt giá. Các thiết kế thay đổi rất nhiều trong năm 2019 mà nhà thầu chính luôn áp lực cho nhà thầu nhập vật liệu theo giá cũ, xin tăng giá không chịu. Sau đó, hai bên không tìm được tiếng nói chung, nhà thầu chính chậm, ngừng thanh toán và không ký nghiệm thu các hạng mục nhà thầu phụ đã làm.

Đồng thời, phía LITHACO cũng cho rằng nhà thầu chính là Công ty GS E&C luôn gây sức ép cho đơn vị bằng cách gửi nhiều thư yêu cầu LITHACO nhập vật tư theo hợp đồng gốc, mặc dù số vật tư này đã thay đổi khoảng 70% so với thiết kế đã được duyệt gần nhất, không thể sử dụng để tiếp tục thi công. Đến tháng 11/2019, Công ty GS E&C bắt đầu ngừng thanh toán, chiếm giữ tài sản, đuổi công nhân của nhà thầu phụ, tùy ý thay đổi nhà thầu phụ và không nghiệm thu hạng mục hoàn tất của LITHACO. Từ đó đến nay, Công ty GS E&C không thanh toán bất kỳ khoản nào để LITHACO trả chi phí cho nhân công.

Ngoài ra, phía LITHACO cũng cho rằng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhưng phía Công ty GS E&C đã thực hiện hàng loạt hành động đơn phương với LITHACO như chấm dứt hợp đồng thầu phụ, rút bảo lãnh ngân hàng, chiếm giữ tài sản tại công trường, ngăn không cho kỹ sư và công nhân của công ty vào công trình, không nghiệm thu khối lượng công trình mà LITHACO đã hoàn tất, gây nguy cơ mất tài sản...

Được biết, trước thời điểm xảy ra vụ việc, ngày 7/5, LITHACO đã gửi đơn trình báo sự việc đến Công an TPHCM và Công an Quận 2 nhằm tố cáo đại diện Công ty GS E&C chiếm giữ tài sản bất hợp pháp, có dấu hiệu hành hung kỹ sư, nhân viên của nhà thầu phụ tại dự án tuyến metro TPHCM.

Tổng thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm?

Thông tin với báo chí, một đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư dự án metro số 1) cho biết sự việc của LITHACO liên quan đến nhà thầu thi công gói CP2 tuyến metro số 1.

Cụ thể, ngày 8/5, MAUR nhận được phản ánh về việc dự kiến đình công của nhóm công nhân LITHACO tại công trình depot Long Bình, đây là nhà thầu phụ của tổng thầu gói thầu CP2 - đoạn trên cao và depot thuộc tuyến metro số 1. Lãnh đạo MAUR đã mời đại diện tổng thầu là ông Shigeki IHara làm việc. Yêu cầu tổng thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Không được để tình trạng đình công làm đình trệ công việc và ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đồng thời phải giải quyết các phát sinh, tranh chấp trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký.

Đối với sự việc do nhóm công nhân LITHACO tổ chức phản đối Công ty GS E&C, đại diện MAUR cho rằng đây là việc làm tự phát do nhà thầu phụ chủ động lên kế hoạch và thực hiện tụ tập, căng biểu ngữ ngoài ranh giới của công trình để gây sự chú ý, tạo áp lực lên nhà thầu chính. Việc này không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhưng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của dự án tuyến metro số 1.

Top dự án “siêu’”đội vốn và ‘siêu’ chậm

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 – tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên bắt đầu khởi công từ tháng 8/2012, với 4 gói thầu chính đang triển khai, trong đó 3 gói thầu xây lắp chính gồm các gói thầu số 1a, 1b xây dựng đoạn ngầm, gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và gói thầu số 3 về thiết bị, đầu máy toa xe.

Ban đầu công trình dự kiến khai thác sử dụng vào năm 2017 nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn khiến thời gian hoàn thành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên tiếp tục đến lùi thời hạn năm 2021.

Không chỉ chậm tiến độ với thời gian khủng, Bộ Giao thông Vận tải còn xếp dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM vào tốp 3 dự án đường sắt trên cao đội vốn trên cả nước. Theo đó, Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (dài gần 20km) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng, đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỉ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ đồng, sau đó UBND TPHCM được giao thẩm quyền phê duyệt lại tổng mức đầu tư trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành trung ương thì tổng mức đầu tư của dự án này còn 43.600 tỷ đồng.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, mới đây lãnh đạo TPHCM khẳng định tuyến metro số 1 sẽ không thể chậm tiến độ thêm nữa. Tuy nhiên, từ vụ việc thầu phụ là LITHACO phản đối thầu chính là Công ty GS E&C đang diễn ra thì liệu quyết tâm của chính quyền TPHCM có được bảo đảm?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.