Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng “siêu nguyệt thực toàn phần” lần đầu tiên xuất hiện trong 30 năm sẽ diễn ra vào cuối tháng 9.
Cụ thể, vào ngày 28/9/2015, những người may mắn sẽ được chứng kiến thời khắc vô cùng hiếm có với sự kết hợp của cả 2 hiện tượng: siêu mặt trăng – nguyệt thực toàn phần.
Theo NASA, lần gần nhất thế giới được chứng kiến siêu trăng và nguyệt thực toàn phần diễn ra cùng một lúc là vào năm 1982. Theo dự đoán thì sau sự kiện năm nay, phải đến năm 2033 hiện tượng này mới xuất hiện trở lại.
Các khoa học gia tại NASA cho biết, vào ngày này, Mặt trăng sẽ trông lớn hơn bình thường tới 14%, do đây là thời điểm trăng ở gần nhất trong quỹ đạo của nó đối với Trái đất.
Nếu khoảng cách trung bình giữa Mặt trăng và Trái đất là 384.000km thì vào ngày này chỉ còn 363.700km mà thôi.
Theo các khoa học gia:“Khi kết hợp siêu trăng và nguyệt thực toàn phần – Mặt trăng bị che khuất do nằm giữa Mặt trời và Trái đất – chúng ta có Siêu nguyệt thực toàn phần. Đây là một sự kiện đặc biệt vì nó rất hiếm khi xảy ra”.
Trong lịch sử, tính từ đầu thế kỷ XX, thế giới mới chỉ ghi nhận 5 lần có “siêu nguyệt thực toàn phần” theo chu kỳ 18 năm, đó là vào các năm 1910, 1928, 1946, 1964, và 1982.
Trong khi một người có thể quan sát nguyệt thực toàn phần tại một điểm trên Trái đất theo chu kỳ 2,5 năm thì siêu nguyệt thực lại chỉ xuất hiện một lần trong hàng chục năm.
Bên cạnh đó, nguyệt thực toàn phần không có nghĩa là Mặt trăng sẽ tối hoàn toàn. Thay vào đó, trăng sẽ dần dần chuyển sang màu đỏ, và chúng ta sẽ có một “siêu trăng máu”. Màu đỏ này là kết quả của việc ánh sáng từ Mặt trời bị tán xạ khi đi xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất.
Cũng giống như những lần xuất hiện trước kia, lần "siêu trăng máu" cũng làm dấy lên nhiều tin đồn về "Ngày tận thế". Nhiều người cho rằng, hiện tượng này là một sự báo trước cho rất nhiều thảm họa về sau, có thể kéo loài người đến bờ vực của sự diệt vọng. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những lời "tiên tri" không có cơ sở, và NASA nhanh chóng bác bỏ các tin đồn này.
Tuy nhiên, lần này Việt Nam chúng ta không nằm trong vùng quan sát được hiện tượng hiếm có này. Các khu vực có thể quan sát được là Bắc và Nam Mỹ, Châu Phi, Tây Á, Đông Thái Bình Dương và các nước khu vực Châu Âu.