Các anh là những thành viên trong Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hoạt đồng từ nhiều năm nay.
Bỏ khách để cứu người gặp nạn
Hơn 10 năm qua, những người trong Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc còn có thêm một vật bất ly thân nữa là chiếc túi sơ cấp cứu chứa đầy những bông băng, gạc y tế, thuốc đỏ, oxy già… Cả đội không thể nhớ hết đã sơ cấp cứu cho bao nhiêu trường hợp, chỉ biết rằng, ngoài công việc chạy xe ôm mưu sinh hàng ngày, các anh còn được ví như những “lương y đường phố” hết lòng giúp đỡ người bị nạn giữa đường.
Xuất phát từ dự án “Chương trình kiểm soát thương tích” do một tổ chức của nước ngoài tài trợ , Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đã thành lập Đội xe ôm an toàn trên địa bàn các phường của thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2006.
Sau một năm hoạt động, dự án kết thúc nhưng Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc vẫn duy trì hoạt động cho đến nay. Công việc của Đội xe ôm an toàn là vừa chạy xe ôm mưu sinh nhưng mỗi khi thấy người gặp nạn là cả đội xắn tay áo, lao vào cứu người, thậm chí bỏ luôn cả khách.
Mục đích hoạt động là sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn nhưng giờ đây, sự xuất hiện của đội xe ôm cứu thương đã trở thành niềm tin cậy của người tham gia giao thông trên địa bàn.
Bác Đặng Thanh Kinh (sinh 1957) – Đội trưởng Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Đội gồm 7 thành viên. Anh em chia khu vực để quản lý. Ba nơi đặt điểm sơ cấp cứu là 192 Nguyễn Văn Cừ, 62 Nguyễn Văn Cừ và chân đèo Hải Vân”.
Tham gia trên tinh thần tự nguyện, không có sự trợ giúp về kinh phí nhưng ai cũng rất nhiệt tình với công việc của mình. Còn các vật cụ y tế và thuốc men để đội xe ôm "hành nghề" được là nhờ Hội chữ thập đỏ phân bổ xuống hoặc một số bệnh viện tài trợ.
Khó khăn lớn nhất đối với Đội xe ôm an toàn không phải là những lúc đêm hôm mà điện thoại đổ chuông báo có người gặp tai nạn hay không có sự hỗ trợ về kinh phí mà chính là những lúc gặp nạn nhân say rượu, không chịu hợp tác.
“Thường mấy ông say rượu bị tai nạn, khi chúng tôi đến sơ cấp cứu, họ không có động vào người, còn chửi bới loạn. Những lúc như vậy, chúng tôi phải lựa lời khuyên giải, rồi nhanh chóng sơ cấp cứu để đưa người bị nạn đến bệnh viện”, ông Kinh nói.
Bác Kinh chia sẻ, cái nghiệp cứu người đã vận vào thân không dứt được. Với chiếc túi sơ cấp cứu bên cạnh, đi đâu, làm gì, thấy người gặp nạn cũng có thể "xông vào giúp đỡ".
“Có lần tôi đang chở khách từ cầu Nam Ô xuống trung tâm Đà Nẵng, khi vừa đi được một đoạn thì gặp hai xe máy tông nhau khiến một người bị thương. Tôi liền dừng xe và đề nghị khách bắt xe khách. Vị khách chưa hiểu chuyện gì thì tôi đã lấy đồ ra sơ cấp cứu rồi chở nạn nhân xuống bệnh viện. Khi tôi quay về thì thấy vị khách vẫn còn đứng đó. Tôi hỏi: Sao ông chưa đi mà còn đứng đây? Vị khách kia bảo: Ông bỏ việc để cứu người được thì sao tôi không chờ ông được”, đội trưởng đội xe ôm cứu thương vừa kể vừa cười mãn nguyện.
Không mong báo đáp
Giúp đỡ người gặp nạn là xuất phát từ tấm lòng của mình chứ các thành viên trong Đội xe ôm an toàn chưa bao giờ nghĩ mong người được giúp đỡ sẽ trả ơn mình.
Bác Kinh kể, có lần vào khoảng 3 giờ sáng, ông đang ngủ thì nghe tiếng rầm trước nhà, chạy ra thì thấy hai người đi xe máy bị té ngã đang nằm dưới đường. Sau khi được bác sơ cứu vết thương, hai người này gửi 300 ngàn đồng cảm ơn nhưng bác nhất quyết không lấy. Thế là hôm sau họ quay lại tặng bác mấy gói thuốc lá.
Bác Lương Bá Thành – thành viên của Đội xe ôm an toàn chia sẻ: “Rất nhiều trường hợp, sau khi được chúng tôi giúp đỡ, họ đưa tiền cảm ơn nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhận của họ đồng nào. Thấy họ quý trọng và nhớ đến công lao của mình là chúng tôi vui rồi chứ không mong chờ được đáp trả gì hết”.
Bà Lê Thị Diệu Mân – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Bắc cho hay, nhờ Đội xe ôm an toàn mà nhiều người gặp nạn được sơ cấp cứu kịp thời. Dù cuộc sống của các thành viên cũng còn khó khăn nhưng ai cũng nhiệt tình, tận tâm với công việc của mình.
Với những cống hiến của mình, các thành viên của Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc đã được chính quyền địa phương và các cấp hội tặng giấy khen, kỷ niệm chương trong nhiều năm qua.