Đội tuyển Việt Nam: Từ ám ảnh Thái Lan tới giấc mơ World Cup

GD&TĐ - Cách đây ít năm, bóng đá Việt Nam còn khắc khoải với tham vọng vượt qua Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều…

Đội tuyển Việt Nam: Từ ám ảnh Thái Lan tới giấc mơ World Cup

Cuộc chuyển giao quyền lực

Nói tới Thái Lan là nói tới nền bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á. Điều đó thể hiện rõ ở bảng thành tích ấn tượng của họ ở các giải bóng đá hàng đầu khu vực như SEA Games hay AFF Cup. Từng có thời điểm họ trở thành hình mẫu cho các nền bóng đá trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Người hâm mộ (NHM) bóng đá nước nhà từng tự hỏi “Đến bao giờ Việt Nam mới qua mặt Thái Lan?”.

Câu hỏi đó đã tồn tại qua nhiều thế hệ cầu thủ, trở thành nỗi khắc khoải lớn với đội tuyển Việt Nam. So sánh khoảng cách với Thái Lan, chúng ta chỉ dám đặt những mục tiêu “vừa phải” như Huy chương Vàng (HCV) bóng đá SEA Games hay ngôi vô địch AFF Cup, chứ nào dám màng tới cuộc chiến dự World Cup. Nhưng người Thái thì khác! Họ đã nuôi tham vọng rất lớn, thậm chí xây dựng cả một chiến lược dài hạn vì giấc mơ World Cup. Đó là mục tiêu hợp lý trong bối cảnh họ liên tiếp thống trị sân chơi khu vực.

Nhưng đấy là chuyện của những năm trước! Hiện tại, cán cân quyền lực ở khu vực Đông Nam Á có thay đổi trông thấy. Bóng đá Việt Nam đã tạo ra cú bứt phá ngoạn mục nhờ lứa thế hệ tài năng và bản lĩnh. Chất xúc tác tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ chính là huấn luyện viên (HLV) Park Hang-Seo.

Sau đúng 10 năm, bóng đá Việt Nam trở lại đỉnh cao khu vực với chức vô địch AFF Cup 2018. Nhưng điều quan trọng hơn là những chiến tích lẫy lừng ở sân chơi châu lục của tuyển U23 ở VCK U23 châu Á, ASIAD 2018 và ĐTQG ở VCK Asian Cup 2019. Đấy chính là những nền tảng tạo ra đòn bẩy lớn về tham vọng, giúp NHM tin tưởng những mục tiêu lớn hơn ở tầm châu lục và thế giới.

Khá thú vị là trong giai đoạn bóng đá Việt Nam liên tiếp gặt hái được những thành công trên các mặt trận lớn thì Thái Lan lại thất bại. Ở cấp độ ĐTQG, người Thái đã 2 lần phải thay tướng khi ngôi vị số 1 Đông Nam Á bị lung lay dữ dội.

Với những gì đã diễn ra trong hơn 2 năm qua, nhiều người tin rằng đã có cuộc chuyển giao quyền lực ở khu vực Đông Nam Á. Nhận định ấy càng có cơ sở khi đội tuyển Việt Nam xuất sắc đánh bại Thái Lan ngay tại Buriram ở giải giao hữu King’s Cup hồi đầu tháng 6. Hay trước đó, tuyển U23 Việt Nam cũng đè bẹp U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á. Người Thái thực sự đã e dè khi nói tới sự thay đổi mang tính đột phá của bóng đá Việt Nam.

Không chỉ gặt hái những kết quả tốt khi đối đầu bóng đá Thái Lan dưới thời HLV Park Hang-Seo, các đội tuyển Việt Nam còn thể hiện được phong thái rất khác. Đó là sự tự tin và sự tỉnh táo, rất khác với giai đoạn trước.

Màn so tài lịch sử

Bóng đá Việt Nam và giấc mơ World Cup. Ảnh: ITN
Bóng đá Việt Nam và giấc mơ World Cup. Ảnh: ITN 

Cuộc chiến Việt Nam - Thái Lan đã nóng lên rất nhiều kể từ khi bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái được những thành công ở cấp độ châu lục dưới thời HLV Park Hang-Seo. Vậy mới có chuyện LĐBĐ Thái Lan (FAT) mời đội tuyển Việt Nam tham dự giải giao hữu King’s Cup 2019. Càng thú vị hơn khi ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam và Thái Lan lại nằm cùng một bảng đấu.

Việt Nam và Thái Lan đã gặp nhau quá nhiều nhưng 2 cuộc chiến sắp tới được xem là màn so tài lịch sử bởi nó diễn ra ở một đấu trường khác mang tên “tham vọng”. Đó là cơ hội để cả 2 chứng tỏ ai đã sẵn sàng cho giấc mơ vượt tầm Đông Nam Á.

Thực tế, ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á cách đây 4 năm, Việt Nam và Thái Lan từng chạm trán nhau. Khi đó, chúng ta ở vị thế thấp hơn, đã để thua người Thái trong cả 2 lượt trận. Đau đớn nhất chính là thất bại 0-3 ngay tại Mỹ Đình ở lượt về. 6 điểm trọn vẹn giành được trước Việt Nam đã giúp “Voi chiến” giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á.

Thammasat trở thành địa điểm khẳng định quyền lực và tham vọng của 2 nền bóng đá. Chiến thắng ở trận mở màn chắc chắn sẽ mang lại sự tự tin rất lớn cho 1 trong 2 đội tuyển trong phần còn lại của chiến dịch.

Nhưng hiện tại, cán cân quyền lực đã có sự chuyển dịch đáng kể. Đây là thời điểm mà đội tuyển Thái Lan dành cho Việt Nam sự tôn trọng cao nhất, tới mức họ đã bổ nhiệm HLV từng dự World Cup là Akira Nishino. Vô hình trung, cuộc chiến quyền lực ở khu vực Đông Nam Á lại trở thành màn so tài của 2 HLV đại diện cho 2 nền bóng đá phát triển nhất châu Á (Nhật Bản - Hàn Quốc).HLV Akira Nishino đã gây ấn tượng mạnh ở VCK World Cup 2018 khi giúp Nhật Bản trở thành đội tuyển duy nhất của châu Á vượt qua vòng đấu bảng. Thậm chí, ông còn suýt nữa tạo nên cơn địa chấn trước đội tuyển Bỉ ở vòng 1/8 (thua 2-3 trong thế dẫn trước 2 bàn). Bên kia chiến tuyến, Park Hang-Seo cũng từng dự World Cup 2002 với tư cách trợ lý cho Guss Hiddink. Cả 2 đều là những HLV giàu tham vọng, sẵn sàng giúp Việt Nam và Thái Lan thỏa giấc mơ World Cup. Nó khiến màn so tài sắp tới giữa 2 nền bóng đá càng thú vị hơn.

Vào 5 tháng 9 tới, Việt Nam và Thái Lan sẽ mở màn chiến dịch vòng loại World Cup 2022 với màn so tài đáng xem ở Thammasat. Ngay ở thời điểm này, cả Việt Nam và Thái Lan đều đã gấp rút chuẩn bị. Nó đã cho thấy tầm quan trọng, thậm chí được ví là cuộc hò hẹn lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.