(GD&TĐ) - Đối thoại Shangri - La 12 vừa kết thúc chiều 2/6 tại Singapore. Đây là diễn đàn an ninh lớn, có tầm quan trọng đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương đang “nóng” lên từng ngày và gốc rễ của vấn đề là khủng hoảng lòng tin giữa các nước trong khu vực, Đối thoại Shangri - La 12 hiển nhiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên toàn thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri - La 12 |
Hơn 400 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo, các nhà quân sự, ngoại giao và các học giả đến từ 27 quốc gia tham dự Đối thoại Shangri - La 12 đã nói lên tầm cỡ của diễn đàn này. Những năm gần đây, châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những thử thách hết sức lớn lao bởi hiện hữu những bất ổn về an ninh hạt nhân, an ninh phi truyền thống và an ninh biển. Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã có lúc như đặt khu vực bên bờ vực chiến tranh. Sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy với các nước láng giềng.
Dư luận thế giới đặt câu hỏi: Cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là thế này ư?
Giữa lúc căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương đang leo thang, Mỹ tuyên bố “xoay trục” trở lại khu vực này. Chiến lược trở lại châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ được tuyên bố với mục đích gìn giữ hòa bình của khu vực, bảo vệ con đường hàng hải vốn được coi là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Bắc Kinh và không ít các nhà phân tích, chuyện không chỉ có vậy.
Ngày 1/6, tại Đối thoại Shangri - La 12, khi tướng Diêu Vân Trúc của Trung Quốc bày tỏ hồ nghi rằng chiến lược “trở lại châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ không nhằm kiềm chế sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc như nhiều nhà lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thẳng thừng bác bỏ luận điểm này. Ông hoan nghênh một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng phải là một cường quốc có trách nhiệm với hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Một lần nữa, tại diễn đàn Shangri - La 12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định: Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương không nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc! Cũng theo lời Chuck Hagel, bất chấp việc Mỹ đang phải thắt chặt ngân sách quốc phòng, nước này vẫn có đủ khả năng thực hiện chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng tôi có lợi ích ở đây, cũng như Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác có lợi ích ở khắp thế giới” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Như vậy, khủng hoảng lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm hiện tại là khủng hoảng lòng tin. Theo các nhà phân tích, mức tăng chi tiêu quốc phòng của các nước ở khu vực trong năm 2012 đã vượt xa tổng thu nhập quốc dân của nhiều quốc gia trong khu vực cộng lại là bằng chứng sinh động để khẳng định điều này.
Phát biểu chính tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri - La 12, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Các cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM )… cũng như Đối thoại Shangri-La đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra.
Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ - lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc. Trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Shangri - La, tôi kêu gọi tất cả chúng ta bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng”.
Giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh khái niệm “lòng tin chiến lược” 17 lần trong bài phát biểu. Từ đầu đến cuối hội nghị, lòng tin chiến lược đã lan tỏa khắp nơi và chúng ta có thể nhận thấy các Bộ trưởng Quốc phòng nêu lên vấn đề là làm thế nào để ý tưởng đó trở thành hiện thực. Và như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công khi đưa “lòng tin chiến lược” vào chương trình đối thoại này”.
Tuy nhiên, xây dựng lòng tin là một quá trình rất đỗi gian nan. Nếu một bên có lời nói không đi đôi với việc làm, chỉ biết đến lợi ích của mình mà “quên” đi lợi ích của người khác thì khó có thể nói đến xây dựng lòng tin chiến lược.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”. Lòng tin chiến lược đang là vấn đề cốt lõi đảm bảo hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương hôm nay và cả mai sau.
Duy Long (TH)