Đổi thay ở xóm chài Tiền Phong, ‘hiện thực hoá ước mơ lên bờ’

GD&TĐ - Hơn 40 năm lênh đênh sông nước, từ nay 24 hộ dân tại thôn Tiền Phong (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có thể an cư, lạc nghiệp ở những ngôi nhà khang trang.

Những ngôi nhà mới khang trang tại thôn chài Tiền Phong.
Những ngôi nhà mới khang trang tại thôn chài Tiền Phong.

Ước mơ lên bờ

Thôn Tiền Phong thuộc xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh có hơn 30 hộ dân mưu sinh bằng nghề sông nước. Thuyền vừa là phương tiện nhưng cũng là nhà của họ mấy chục năm qua.

Anh Phạm Văn Hoè (SN 1980) từ nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi bởi đôi chân không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Chứng teo cơ khiến đôi chân anh đi lại vô cùng khó khăn.

Anh Phạm Văn Hoè (thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Anh Phạm Văn Hoè (thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Từ nhỏ, anh đã theo mẹ nay đây mai đó, ngược xuôi mưu sinh trên dòng sông Lam. Ước mơ con chữ của anh cũng bị cắt ngang bởi số phận kém may mắn.

Hơn 40 năm qua, người đàn ông này đã gắn bó với con thuyền để mưu sinh. Đến khi lập gia đình, vợ chồng và các con anh cũng gắn chặt với con thuyền.

"Nhà có con nhỏ nên ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào cũng phải đỗ thuyền ở chỗ nông, hoặc có cái lạch nào thì chạy vào đó để ẩn nấp. Tối 2 vợ chồng ngủ 2 đầu thuyền, các con nằm ở giữa. Để đảm bảo an toàn tôi phải buộc các con lại với nhau bằng cách đâm thủng một lỗ ở tà áo rồi dùng dây luồn từ đứa này qua đứa khác. Nhiều khi cha mẹ làm mệt rồi ngủ say, con dậy bò đi thì cũng khổ", anh Hoè nhớ lại khoảng thời gian lênh đênh trên thuyền.

Cuộc sống trên thuyền của các hộ dân thôn Tiền Phong trước đây.

Cuộc sống trên thuyền của các hộ dân thôn Tiền Phong trước đây.

Cũng như gia đình anh Hoè, hộ gia đình chị Trương Thị Nhẫn cũng ngán ngẩm khi nhớ lại những ngày mưa lũ trên thuyền.

"Mùa mưa lũ rất khổ, nước lên đến đâu là phải kéo thuyền vào đến đó, vì thế nhiều đêm liền phải thức trắng để canh nước. Mùa lũ năm 2020, trong khi cả nhà đang ăn cơm, tự nhiên sóng gió cùng mưa lớn ập đến. May mà được người dân xung quanh hỗ trợ...", chị Nhẫn nhớ lại.

Những ngôi nhà trên bờ

Đã ngoài 80, bà Trần Thị Loan không nghĩ sẽ có lúc được ở trong căn nhà khang trang trên bờ những năm cuối đời.

"Năm vừa rồi nhiều bà con thôn Tiền Phong đã được đón Tết đầu tiên trên bờ. Đón nhận nhà mới, tôi và các con mừng phát khóc. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ước mơ lên bờ tôi cũng nhìn thấy rồi. Cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng nhà hảo tâm", bà Loan xúc động nói.

Những căn nhà liền kề được thiết kế cho 24 hộ dân thôn Tiền Phong.

Những căn nhà liền kề được thiết kế cho 24 hộ dân thôn Tiền Phong.

Còn với vợ chồng anh Hoè, từ khi được đưa vào danh sách hỗ trợ nhà ở, vợ chồng luôn trông ngóng đến ngày được lên bờ, được ở trong chính ngôi nhà của mình.

“Ban đầu vợ chồng tôi nghĩ họ cho đất là may mắn lắm rồi, không nghĩ là có cả nhà khang trang kiên cố như vậy, ngoài sức tưởng tưởng của vợ chồng tôi. Vậy là từ nay các con tôi bớt cảnh lênh đênh, có chốn ổn định để yên tâm học hành", anh Hoè xúc động nói.

Người đàn ông mang những khiếm khuyết này cũng háo hức những dự định, một vài năm tới sẽ xin đi học thợ mộc, còn vợ đi làm công ty hoặc phục vụ hàng ăn để lo cho con cái học hành.

Ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong chia sẻ, thôn có 24 hộ dân chủ yếu sinh sống trên thuyền, lênh đênh mưu sinh trên sông bằng nghề vận chuyển hàng hóa và đánh bắt cá. Nhiều hộ chưa có đất ở, đời sống gặp nhiều khó khăn, "các cháu hết sức khổ cực khi đến trường".

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi các nguồn hỗ trợ như: MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình hạ tầng và nhà ở cho 24 hộ vạn chài thôn Tiền Phong. Những căn nhà đã được hoàn thiện và bàn giao cho 24 hộ dân vào tháng 1/2023.

Đây là một trong những công trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp đối với đời sống dân sinh.

"Công trình cũng là một trong những nội dung được hiện thực hóa từ Nghị quyết số 01 ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra", ông Khương cho hay.

24 căn nhà liền kề với diện tích mặt bằng mỗi sàn 56m2/căn. Công trình bao gồm tuyến đường dài 350m kèm mương thoát nước và hệ thống cấp điện hoàn chỉnh. Những ngôi nhà được thiết kế để trống tầng 1, dùng làm nơi cất giữ phương tiện, thiết bị, dụng cụ sản xuất; tầng 2 bố trí phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn, khu vệ sinh. Công trình được đầu tư xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ