Phù thủy bộ gõ
Trần Xuân Hòa, một nghệ sĩ trống, nghệ sĩ bộ gõ hàng đầu Việt Nam. Anh là một người đặc dị. Đặc dị nhưng rất dễ gần, dễ mến và hào sảng. Mái tóc dài, thay đổi màu theo sở thích từng giai đoạn. Nhưng đó chưa phải điều quan trọng, bởi với anh quan trọng là đôi tay.
Đôi tay của Trần Xuân Hòa rất giống với người khác. Nghĩa là mỗi bàn tay có 5 ngón, cả đôi tay gồm 10 ngón. Nhưng đôi tay ấy cũng rất khác, bắt tay anh tinh ý sẽ thấy thô sần trong lòng bàn. Lý do thô sần bởi quá trình cầm dùi trống, đập tay lên bộ gõ. Lòng bàn tay anh thô sần giống các nghệ sĩ trống, nhưng vẫn khác bởi không phải cứ nghệ sĩ thô sần bàn tay nào cũng trở thành tài năng.
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam làm nghệ sĩ trống, rồi bè trưởng bộ gõ. Cơ duyên đến với con đường solo bộ gõ của Trần Xuân Hòa vào năm 2010. Sau khi học ở Singapore về, anh dự định sẽ về nhà hát và vẫn chơi trống. Bấy giờ, nhạc sĩ Phạm Hồng Hải gọi vào động viên Hòa phải làm một chương trình riêng.
Đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo trong trình diễn – chỉ một câu nói nhưng hành trình của Trần Xuân Hòa, nếu tính từ ngày đầu anh vào khoa Trống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tới nay đã kéo dài hơn 20 năm.
20 năm tìm tòi mọi âm thanh rơi rớt vang vọng xung quanh mình, rồi sắp xếp thành một màn trình diễn, đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo độc đáo. Từ cách tìm tòi những âm thanh rơi rớt, đến cách ghép chúng lại để thành những âm thanh quyến rũ đã khiến người ta phải gọi Trần Xuân Hòa là… phù thủy.
Chúng ta thường nghe hát solo, độc tấu đàn bầu, ghita solo, hay các loại kèn như saxophone, trumpet, tampon… được biểu diễn độc lập. Thế nhưng, ít thậm chí cực ít người được thấy solo trống hay bất kỳ loại bộ gõ nào. Bởi vì, bộ gõ theo quan niệm âm nhạc cũng như âm luật chỉ là phụ trợ cho các nhạc cụ khác.
Không chịu gò mình trong một quan niệm cũ, Trần Xuân Hòa mầy mò với bộ gõ vốn là những tri âm với mình. 10 năm, cũng có thể hơn 10 năm anh đã mầy mò, thử nghiệm và nhận ra tâm tư của bộ gõ. Bộ gõ có thể đứng chung với các nhạc cụ, cũng có thể tách rời, đứng riêng biệt. Âm thanh bộ gõ nếu hòa tấu được, cũng độc tấu được.
"Tôi nhận ra là con đường solo của bộ gõ trên thế giới đã có nhiều người đi nhưng ở Việt Nam chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không? Mỗi người có một cách đi, cách thể hiện nhưng cái đích cuối cùng vẫn là làm sao để âm thanh của bộ gõ thể hiện được nhịp điệu, tâm tư", nghệ sĩ Trần Xuân Hòa bộc bạch.
Mang chuông đi đánh xứ người
Thực tế âm nhạc cho thấy, bộ gõ không chỉ có trống, không chỉ có sự ồn ào mà nó vẫn có những khoảng lặng, những tâm tư tình cảm như con người.
Bản thân nghệ sĩ bộ gõ không đóng mình trong khuôn phép nào cả, họ tự do sáng tạo đạo cụ riêng đưa lên sân khấu miễn sao có nhịp điệu và tiết tấu riêng. Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng. Nghệ sĩ tài năng là người biết khai thác thứ ngôn ngữ riêng, độc đáo đó.
Ra thế giới để xem cách người ta sử dụng bộ gõ, đem kỹ thuật ấy về và phát triển đến mức thượng thừa. Rồi từ đó, bộ gõ "xuất ngoại", Trần Xuân Hòa đã cùng nhóm của mình, các nghệ sĩ trong nhóm Go Group "đem chuông đi đánh xứ người".
Nhiều người yêu nhạc ban đầu đã "sốc" vì phong cách chơi nhạc độc lạ. Go Group sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ, trong đó chủ yếu là Marimba, Xylophone, Vibraphone, Campana, Gran casa, Timpani, thậm chí có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm...
Chuyến lưu diễn trên đất Mỹ theo lời mời của Trường Âm nhạc thuộc ĐH Tổng hợp Bringham Young (BYU) đã để lại những ấn tượng khó quên.
Tại phòng Hòa nhạc Barrus, thành phố Rexburg. Lúc đầu các thành viên Go Group khá hồi hộp, vì âm thanh rất chuẩn của khán phòng và vì sự giới thiệu rất trịnh trọng của ông David Taylor, Chủ nhiệm khoa Gõ của Trường Nhạc BYU bang Idaho. Nhưng chỉ sau vài phút đầu tiên, các nghệ sĩ đã vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu, càng biểu diễn càng gắn bó với nhau hơn và càng bốc hơn.
Trong số khán giả có rất nhiều nhạc công và sinh viên bộ gõ của Trường Nhạc BYU, họ rất chăm chú lắng nghe và rất tán thưởng các tác phẩm Việt Nam sáng tác hoặc chuyển soạn cho bộ gõ như: Bài ca Chim ưng (Đàm Linh) Rhapsodi Việt Nam (Đỗ Hồng Quân)...
Các tác phẩm của các nhạc sĩ nước ngoài như Thiery de Mey, Rosaro, J. Paul, với độ khó rất cao và đòi hỏi phải có sự phối hợp nghe lẫn nhau một cách rất chắc chắn, cũng được khán giả vỗ tay kéo dài rất lâu.
Khi tác phẩm cuối cùng vang lên, cả nhà hát đứng bật dậy, vỗ tay từng tràng vang dội, yêu cầu các nghệ sĩ Go Group ra chào vài lần mới thôi. Các nghệ sĩ Go Group vừa ngạc nhiên với sự ngưỡng mộ mà khán giả dành cho mình, vừa sung sướng tự hào vì vừa thực hiện được ước mơ "mang chuông đi đánh xứ người".
Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều người yêu nhạc đã được nghe những âm thanh từ đôi bàn tay của Trần Xuân Hòa. Mỗi tiết mục, mỗi đêm diễn lại thấy anh có một vài bộ gõ khác nhau.
Hỏi anh, trong bộ gõ có bao nhiêu nhạc cụ? Trần Xuân Hòa trả lời: Không đếm hết được. Trong cuộc sống có bao nhiêu âm thanh, bộ gõ có tương ứng bấy nhiêu thứ.
Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa sinh năm 1980 tại Nam Định. Anh được biết tới là nghệ sĩ độc lập, tiên phong trong việc tách riêng bộ gõ để làm các chương trình solo và hòa tấu âm nhạc bộ gõ đương đại. Anh cũng là nhà đồng sáng lập, thành viên nhóm tứ tấu bộ gõ “Go Group”.
Trên con đường nghệ thuật, Trần Xuân Hòa là khách mời thường xuyên đảm nhiệm vai trò bè trưởng bộ gõ dàn nhạc ASEAN đi lưu diễn 10 nước trong khối Hội nghị cấp cao Đông Á của chỉ huy người Nhật nổi tiếng Yoshi Fukumura.