Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước Cộng hòa Belarus đã hiện đại hóa hệ thống phòng không S-125 của Cuba, thông tin này được đăng tải trên trang Telegram chính thức của cơ quan nói trên.
Việc hiện đại hóa các tổ hợp S-125 Pechora của Cuba lên chuẩn S-125-2BM "Pechora-2BM" được thực hiện bởi các chuyên gia từ doanh nghiệp ALEVKURP và bản thân hệ thống này đã vượt qua các bài kiểm tra tại nhà máy một cách thành công.
Theo thông báo chính thức, trong quá trình thử nghiệm, 4 tên lửa đã được phóng từ tổ hợp S-125-2BM và tiêu diệt thành công các mục tiêu mô phỏng, qua đó xác nhận những đặc điểm đã công bố.
Ngoài ra cần lưu ý rằng ngoài mục tiêu trên không, S-125-2BM "Pechora-2BM" còn có khả năng bắn vào các vật thể trên mặt đất và trên mặt nước có độ tương phản radar, cũng như mục tiêu có tọa độ đã biết.
Dựa trên thông tin hiện có, Quân đội Cuba được trang bị 144 bệ phóng tên lửa phòng không S-125, vũ khí này đã được lực lượng vũ trang Cuba sử dụng trong một thời gian dài.
Việc hiện đại hóa những hệ thống tương đối lỗi thời này đang được thực hiện bằng cách cập nhật thiết bị điện tử, bổ sung công cụ theo dõi mục tiêu mới, cải thiện đầu tự dẫn bán chủ động và kéo dài tuổi thọ của tên lửa.

Trước đó ấn phẩm Militarnyi đưa tin, Việt Nam đã làm chủ được việc sửa chữa tên lửa phòng không Liên Xô và chế tạo một số linh kiện điện tử của chúng.
Công việc được thực hiện tại Nhà máy A31 ở Hà Nội, trực thuộc Không quân Việt Nam, đây là doanh nghiệp chính cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho vũ khí tên lửa. Trước hết, công việc đang được tiến hành với các loại đạn đánh chặn dành cho hệ thống phòng không như S-75, S-125, S-300 và một số loại khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống phòng không lớn nhất của Việt Nam vẫn là S-125 Pechora.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã bắt đầu nâng cấp tên lửa lên phiên bản S-125VT, công việc do Tập đoàn Viettel tiến hành. Hầu hết các tên lửa này đều được tân trang, sử dụng linh kiện và bảng mạch điện tử do Việt Nam sản xuất.