Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực hiện đồng bộ
Thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh.
Để có được kết quả như trên, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế. Cụ thể, với sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự phối hợp vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội đối với công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ngày càng được nâng cao.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các ngành, các cấp chú trọng và quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục trên tất cả các lĩnh vực.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tập trung đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Phong trào “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được triển khai rộng khắp, tạo phong trào toàn dân ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi dịp Tết đến xuân về. Công tác chuyển đổi số trong công tác giảm nghèo từng bước được đẩy mạnh (thí điểm quản lý hộ nghèo trên phần mềm; tạo tài khoản an sinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thí điểm chi trả trợ giúp xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt; đồng bộ dữ liệu hộ nghèo với dữ liệu dân cư)…
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có ảnh hưởng sâu rộng và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. |
Số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh
Kết thúc năm 2022, toàn tỉnh giảm 9.929 hộ nghèo trong đó 5.971 hộ nghèo và 3.958 hộ cận nghèo, vượt hơn 2.600 hộ nghèo và hơn 1.900 hộ cận nghèo so với kế hoạch đề ra. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất 1 thành viên trong độ tuổi có việc làm bền vững, theo rà soát hộ nghèo có 2.649 người lao động có việc làm bền vững.
100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi học đúng độ tuổi chiếm 97,63%. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 62%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25,8%.
Đồng thời, phấn đấu hỗ trợ nhà cho ít nhất 500 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thực tế tỉnh đã hỗ trợ trên 1.100 hộ về nhà ở, vượt kế hoạch đề ra; 93% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 58,78% hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và 76% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận và sử dụng internet.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức như dự án đa dạng hóa, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tỷ lệ giải ngân còn thấp. Điều kiện kinh tế xã hội của một số địa phương không đồng đều, đặc biệt các xã miền núi, do vậy việc các hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo chưa được bền vững, dễ bị tổn thương khi có các biến cố xảy ra.
Số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo dưới 2% chiếm tỷ lệ 19,10% (34/178 xã, phường, thị trấn), do đó sẽ rất khó khăn cho công tác giảm hộ nghèo trong những năm tiếp theo.