Chung bộ sách gia đình
Tôi đã từng viết về câu chuyện, về hành trình đưa sách lên non của cô Đào Thị Thu Thủy (Trường Tiểu học Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu). Thêm một lần nữa, tôi lại tìm đến cô.
Vẫn khệ nệ với những thùng sách giáo khoa dành cho học sinh nghèo ở Tân Uyên, cô Thủy trải lòng: “Học sinh ở đây vẫn nghèo lắm, nhiều em chẳng có sách để học. Bởi mỗi năm một đổi mới, giá sách cũng ngày càng cao lên, nên sách xin được ít đi. Tôi cố gắng xin được từng nào hay từng đó”.
Xong xuôi với việc chia sách, cô Thủy gác lại mọi chuyện một bên và dẫn chúng tôi vào trong nhà. Dù diện tích ngôi nhà không lớn nhưng cô đã dùng cầu thang, phòng ngủ làm “không gian đặc biệt” để trưng bày những bộ sách, truyện.
Cô Thủy tỉ mẩn dán những bìa sách bị rách. |
Tôi được cô Thủy kể về kỷ niệm với “bộ sách gia đình” mà cô vẫn luôn gìn giữ. Đã xa thời tiểu học gần 30 năm nay, cô vẫn nhớ như in từng câu, chữ trong bài thơ “Cô giáo lớp em” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Khung cảnh, hình ảnh trường, lớp học ở vùng quê Phú Thọ cứ thế hiện lên.
“Nhà tôi có 3 chị em, mỗi người cách nhau 3 tuổi. Tôi là chị cả nên đương nhiên được đi học và một bộ sách giáo khoa trước. Khi ấy, nhà tôi còn nghèo lắm! Bố mẹ đều theo nghề sư phạm nên luôn nhắc nhở chúng tôi phải giữ gìn sách cẩn thận” – cô Thủy nói.
Sách mới mua được bố mẹ bọc cho bằng báo và cô Thủy luôn gìn giữ cẩn thận. Hơn thế, sách còn được cô chuyển cho anh em, họ hàng mượn từ người này qua người khác với yêu cầu: “Học xong cuối năm trả chị”.
"Tôi còn có 2 em trai con cô và 2 em gái con chú, tuổi cũng ngang sát mình. Nên mình học xong, lại đưa cho các em mượn. Cứ thế, lần lượt mọi người trong nhà đều dùng chung bộ sách của mình. Mọi người đều được dặn trước nên ai cũng giữ rất cẩn thận. Vì thế mà sách không bị rách, hỏng” – cô Thủy chia sẻ.
Tủ sách bên cầu thang nhà cô Thủy. |
Cứ thế, đều đặn mỗi năm, cô Thủy lại được bố mẹ mua cho bộ sách mới. Còn những bộ cũ khi không còn ai dùng đến và lúc các em lớp sau thay sách mới đều được cô cất gọn trong hộp.
Cô Thủy bộc bạch: “Tôi yêu sách từ khi còn bé nên cũng muốn giữ lại để làm kỷ niệm. Đây cũng chính là những “món quà” mà bố mẹ đã dành tặng cho tôi”.
Đến năm 2002, khi cô Thủy tốt nghiệp THPT cũng là lúc sách giáo khoa đổi mới bắt đầu được áp dụng. Đây là lần đổi mới về chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội.
Việc áp dụng sách giáo khoa mới lần lượt triển khai đại trà bắt đầu ở lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2002-2003 và bắt đầu ở lớp 10 từ năm học 2004-2005. Đến năm học 2006-2007, tất cả các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Cô Thủy chia sẻ: “Mặc dù không được học chương trình đổi mới nhưng từ những bộ sách giáo khoa của em tôi và chương trình học ở trường sư phạm, tôi cũng đã biết đến những đổi mới trong sách giáo khoa”.
“Sách mới có nhiều sự khác biệt về nội dung, hình thức. Chất lượng giấy cũng tốt hơn trước nên nếu giữ gìn cẩn thận sẽ được lâu hơn. Tôi cũng luôn nhắn nhủ các em phải luôn giữ gìn, trân trọng mỗi cuốn sách chúng ta đang học” – cô Thủy nói.
Như một mạch nguồn… chảy mãi!
Tình cờ đọc được bức ảnh chụp tác giả Phạm Cao Tùng nói về “Tủ sách gia đình - Một món trang hoàng tao nhã nhất của mỗi nhà” trên trang Facebook cá nhân của một người bạn, cô Thủy đã tải ngay về. Cô thấy nó giống với suy nghĩ của mình.
Bức ảnh cô Thủy luôn ghi nhớ. |
“Tôi luôn ghi nhớ những câu nói của tác giả Phạm Cao Tùng. Tôi thường đọc cho các con nghe và nói: “Thứ sau này để lại cho các con sẽ là sách và nhất định trong nhà các con đều phải có tủ sách” – cô Thủy chia sẻ.
Yêu sách, đam mê đọc sách nhưng cô Thủy cũng không nghĩ rằng cuộc đời mình lại gắn liền với những bộ sách giáo khoa nhiều đến như thế.
Năm 2011, cô lên huyện Tân Uyên (Lai Châu) công tác. Và rồi, chính cái khó của vùng cao, cái nghèo đói của học sinh nơi đây đã gắn cô với việc “vá sách” cho trò.
Cô Thủy tâm sự: “Những năm đầu lên Lai Châu công tác, tôi không để ý sách, vở của học sinh lắm vì thời gian đó, các em vùng cao được cấp miễn phí. Nhưng đến khi chủ nhiệm lớp, thấy sách của học sinh rách nhiều, có quyển rách đến 20 trang, tôi mới nhớ đến những bộ sách cũ của mình”.
Tiếp lời, cô Thủy nói, năm 2017, học sinh vùng cao không còn được cấp sách vở nữa, trừ những xã đặc biệt khó khăn. Việc mua sách, vở từ đó được giao cho phụ huynh. Nhưng để người dân ở đây mua đủ sách cho con thì là cả vấn đề nan giải.
Cô Thủy với những bao tải đựng sách dưới xuôi gửi lên. |
“Thế là hành trình xin sách bắt đầu. Tháng 8/2017, tôi bắt đầu xin sách cho học sinh toàn huyện qua Facebook cá nhân. Có lẽ tôi là người đầu tiên đi xin sách cho trò nghèo qua mạng xã hội nên bài viết đã có hơn 2.000 lượt chia sẻ” – cô Thủy nói.
Kết quả vượt trên cả mong đợi, chỉ sau 25 ngày huy động, hàng vạn cuốn sách đã được học sinh, các hội, nhóm thiện nguyện ở vùng xuôi gửi lên nhờ cô Thủy trao đến trò nghèo.
“Năm đó, mình thay được 70% lượng sách cũ nát của học sinh trong toàn huyện Tân Uyên.
Chẳng còn cảnh học sinh chung nhau cuốn sách Tiếng Việt và cũng chẳng còn những cuốn sách rách đầu, vá đuôi... Thay vào đó là những cuốn sách đã qua sử dụng nhưng còn rất mới của các bạn nhỏ miền xuôi” – cô Thủy kể.
Cứ thế 5 năm trôi qua, cô Thủy mải miết xin sách để viết tiếp “cuộc đời” cho những cuốn sách. Hàng vạn cuốn sách cũ không ra hàng giấy vụn mà được “tái sinh” thành sách mới cho học sinh nghèo vùng cao.
Nhà cô Thủy có một thư viện mang tên Tôm và Bống. |
Và cũng từ ấy, “Thư viện gia đình Tôm và Bống” (Tôm, Bống là biệt danh của 2 con cô Thủy) với khoảng 3.000 đầu sách, truyện cho mọi lứa tuổi được hình thành. Tấm biển treo cho mượn miễn phí trước cửa nhà như “lời giới thiệu” để những cuốn sách, truyện thêm một lần “làm việc” ý nghĩa.
Năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được áp dụng với học sinh lớp 1. Sách giáo khoa lại một lần nữa đổi mới, nội dung và hình thức cũng phong phú hơn.
Năm học 2021-2022 Chương trình và sách giáo khoamới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Đến năm học 2022-2023, các lớp 3, 7 và 10 cũng sử dụng những bộ sách mới. Sách thay đổi, mỗi nơi học một sách khác nhau lại chính là cái khó với việc xin sách của cô Thủy cho trò nghèo.
Những bộ sách giáo khoa được cô Thủy gửi tặng học trò nghèo vùng cao. |
“Năm nay, thật sự khó khăn cho việc xin sách. Có nơi học đến 3 bộ sách, trong khi Lai Châu chỉ học 1 bộ. Thêm vào đó, việc giá sách giáo khoa khá cao nên nhiều học sinh vùng xuôi cũng giữ lại cho anh em trong gia đình... Chính vì thế, lượng sách xin được chỉ bằng 1/3 năm trước” – cô Thủy cho biết.
Cô Thủy cho biết, mặc dù khó khăn nhưng vẫn còn rất nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng kết nối và gửi sách lên cho học sinh vùng cao.
Hơn chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao Lai Châu và “hành trình 6 năm” đưa sách, cô Thủy luôn tâm niệm: Có lẽ, đời nghề của mình sẽ gắn với những “mùa sách”. Và với cô, đời sách – đời nghề sẽ như một mạch nguồn… chảy mãi!