Danh lợi, giàu sang chẳng thể mang theo đi được, chúng ta đến với cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi này cũng là hai bàn tay trắng. Vậy mà chúng ta cứ mê muội, đắm chìm và theo đuổi danh lợi đến cùng để được gì chứ? Nó càng khiến chúng ta tạo thêm nhiều nghiệp lực tội lỗi.
Con người sống thường có thói quen lấy người khác để làm thước đo cho mình, cả đời tính toán ganh đua, cuối cùng quên mất bản thân mình là ai, vì điều gì mà tồn tại, mà phấn đấu…
Trong cuộc sống, mọi việc đều có cái được và cái mất. Tình yêu đem đến niềm vui nhưng cũng làm ta đau khổ; tiền tài giúp ta hưởng thụ cuộc sống giàu sang nhưng cũng là nguyên nhân làm ta phiền não; thành công giúp ta hạnh phúc nhưng nỗi đau của thất bại cũng thật khôn lường.
Có người có tiền tài nhưng lại thiếu sức khỏe, gia đình hoặc tình yêu; Có người sự nghiệp, thành tích không quá cao nhưng chất lượng cuộc sống, sức khỏe lại vô cùng tốt. Có những điều thoạt nghĩ ta sẽ thấy thiếu sự công bằng, nhưng thực tế nó lại rất công bằng với tất cả mọi người.
Có người cho rằng người có tiền luôn rất hạnh phúc, nhưng thực tế đây là một quan niệm sai lầm. Một người nghèo sẽ tìm được niềm vui chỉ với vài trăm đồng, nhưng khi có nhiều tiền rồi, anh ta sẽ phải tiêu gấp hàng chục lần mới thấy được niềm vui. Khi sở thích của bạn thay đổi, cảm nhận của bạn với mọi vật cũng sẽ thay đổi theo;
Khi bạn càng nhiều tiền, giá trị đồng tiền sẽ càng giảm; Khi bạn đang đói, một miếng ăn nhỏ đã làm bạn hài lòng, nhưng khi bạn no, bạn sẽ không còn thấy vị ngon của đồ ăn nữa.
Người nhiều tiền lo bị trộm, bị cướp; Nhà rộng lo quét dọn; Ăn nhiều sợ béo, ăn ngon quá lại sợ chết. Chúng ta có thể thấy, người có tiền bây giờ toàn ăn những đồ như rau xanh, hoa quả, hạt ngũ cốc, uống nước rau dại, nước tiểu mạch v.v. – đây đều là những đồ ăn xưa kia của người nghèo hoặc động vật.
Vậy phải làm gì để luôn hạnh phúc, luôn an yên?
Mọi người chỉ cần đem bản tính lương thiện của mình tăng lên, mở rộng ra, tận lực làm thêm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức. Đây là phúc mà do con người tự tạo ra, người khác có suy tính chiếm đoạt cũng không chiếm được, đấy chính là cái “ĐỨC” ở đời.
“Đức” của mỗi người nhiều hay ít đến từ việc họ làm việc thiện, việc tốt nhiều hay ít. Như thế nào là làm việc thiện tích đức? Hành thiện tích đức chính là làm việc tốt, việc thiện, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, hết thảy đều chất chứa lòng từ bi mà làm.
Hành thiện tích đức có thể làm ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào, cho dù là không có điều kiện tiền bạc. Ví dụ như: Cứu người gặp nạn, bỏ đi những chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm cho người khác, nhường đường đi hay nhường chỗ ngồi cho người già…, đó đều là hành thiện tích đức.
Cho nên nói, làm việc thiện tích đức có thể bằng cách quyên tiền, cũng có thể bằng cách quyên sức lực. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt thì chính là đang làm việc thiện tích đức.
Công đức lớn hay nhỏ, cách thực hiện công đức không phải thể hiện ở hình thức mà thể hiện ở sự chân thực. Chỉ cần có tâm, không có sự vụ lợi thì cho dù là việc thiện nhỏ cũng tạo thành vô lượng công đức.
Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có thần trợ giúp. Cho nên mới nói đạo trời chỉ có “đức” là thân, một chút đức thiện sẽ tự chiêu mời được phúc báo.
Kiên nhẫn làm việc thiện, tận tâm bố thí cứu giúp người khác và tin tưởng rằng ông trời không bao giờ “bỏ qua” người tốt!
“Đức” có thể bảo hộ con người suốt đời, còn “thiện” chính là chìa khóa để tích đức! Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới bình an, phú quý.