Theo Guardian, nằm trong một quan tài kính với bộ ria mép đỏ được cắt tỉa và đôi tay đặt trên đùi, mặc bộ đồ màu đen khắc khổ, đó là Vladimir Lenin, lãnh tụ đầu tiên của Liên Xô, thoạt nhìn trông giống như tượng sáp.
Tuy nhiên, đây là xác thật của một người đã qua đời cách đây 92 năm. Nếu được theo dõi cẩn thận và tái ướp thường xuyên, các nhà khoa học tin rằng có thể duy trì trạng thái này trong nhiều thế kỷ nữa.
Nhưng công việc sẽ rất tốn kém. Tháng trước, Ban bảo vệ Liên bang, chịu trách nhiệm trông coi tất cả các căn cứ gần điện Kremlin, bao gồm cả lăng Lenin, lần đầu công bố chi phí cho các "công trình y tế và sinh học để duy trì cơ thể của Lenin", lên đến 13 triệu rúp (197.000 USD) trong năm 2016.
Khi Lenin qua đời vào tháng Giêng năm 1924, không ai có kế hoạch giữ xác ông trong một thời gian quá dài. Thực tế là, nhà bệnh lý học nổi tiếng, Alexei Abrikosov, người thực hiện khám nghiệm tử thi Lenin, đã tiến hành cắt động mạch chính.
"Sau đó, ông nói rằng nếu biết trước họ sẽ tiến hành ướp xác, ông sẽ không làm điều đó”, Alexei Yurchak, giáo sư nhân học xã hội tại Đại học California, Mỹ, cho biết. "Các hệ thống huyết mạch có thể đã được sử dụng để vận chuyển hóa chất ướp xác tới các mô.”
Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ thể Lenin được ướp tạm thời để ngăn chặn phân hủy trong 4 ngày và được đặt trong một quan tài mở tại trung tâm Moscow. Hơn 50.000 người đã tới viếng, dù nhiệt độ lúc đó là âm 7 độ C.
Nhưng do lượng người tới viếng ngày càng đông, chính phủ phải tạm thời chuyển quan tài tới một lăng mộ bằng gỗ trên Quảng trường Đỏ. Vì trời rất lạnh, cơ thể vẫn còn nguyên vẹn và chỉ 56 ngày sau đó khi thời tiết ấm dần lên,các quan chức Liên Xô quyết định bảo tồn vĩnh viễn thi thể.
Ý tưởng đầu tiên là không ướp xác, chỉ làm lạnh sâu. Leonid Krasin, Bộ trưởng thương mại quốc tế khi đó, được phép nhập khẩu thiết bị đóng băng đặc biệt từ Đức. Tuy nhiên, vào đầu tháng 3/1924, khi mọi việc đang thuận lợi, hai nhà hóa học nổi tiếng, Vladimir Vorobyov và Boris Zbarsky, đề nghị ướp xác ông bằng một hỗn hợp hóa chất có thể ngăn ngừa các xác chết bị phân hủy, bị khô hoặc thay đổi màu sắc và hình dạng.
Sau một loạt các cuộc họp của chính phủ, họ được phép thử nghiệm.
Trong vài tháng, một nhóm các nhà khoa học tìm cách làm trắng da Lenin và tính toán các hỗn hợp hóa chất chính xác. Dưới áp lực của việc báo cáo lên quan chức Liên Xô, họ phải làm việc ngày đêm.
Khi lăng trên Quảng trường Đỏ mở cửa lại cho du khách vào ngày 1/8/1924, các phản ứng rất tích cực.
"Thật kinh ngạc. Một chiến thắng tuyệt đối", Zbarsky báo cáo.
Phòng thí nghiệm Lenin
Kể từ năm 1924, một nhóm các nhà khoa học được giao nhiệm vụ duy trì thi hài Lenin. Ở đỉnh cao của hoạt động của nó trong thời Xô Viết, phòng thí nghiệm Lenin có khoảng 200 chuyên gia làm việc cho dự án, theo Yurchak.
Ngày nay, nhóm nhỏ hơn nhiều, nhưng công việc không đổi. Cứ cách vài ngày các nhà khoa học lại phải đến lăng để kiểm tra thi hài, nơi được nhiệt độ và ánh sáng được tính toán cẩn thận. Và cứ mỗi 18 tháng, Lenin được đưa đến một phòng thí nghiệm dưới lòng đất với ánh sáng lờ mờ để tái ướp và rửa sạch.
Mặc dù các nhà khoa học đã bảo tồn được phần xương, cơ, da và các cơ quan khác, tất cả các cơ quan nội tạng của ông đã được gỡ bỏ. Bộ não ông được lấy ra và kiểm tra ở "Viện não" Xô Viết, thành lập không lâu sau khi Lenin qua đời, với vai trò cụ thể là nghiên cứu những "khả năng phi thường" của ông. Hiện những mảnh não vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay tại Trung tâm Thần kinh học, Viện khoa học Nga.
Các kỹ thuật độc đáo được phát triển bởi các nhà khoa học Liên Xô cũng đã dẫn đến một số "khách hàng" từ nước ngoài. Các phòng thí nghiệm tại Moscow cũng ướp xác Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bulgaria Georgi Dimitrov, các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il-sung và Kim Jong-il, ngoài ra còn có Josef Stalin, mà xác ướp nằm bên cạnh Lenin từ 1953-1961.
Tất cả các quá trình ướp xác đã được tiến hành trong bí mật hoàn toàn, những nhà khoa học chỉ thỉnh thoảng bay sang Việt Nam hoặc Triều Tiên để kiểm tra và bảo trì.
"Những chuyên gia cấp thấp như tôi không được cho biết các chi tiết cụ thể", Vadim Milov, một nhân viên ướp xác làm việc từ 1987-1997 trong phòng thí nghiệm giải thích. "Nhưng tôi có đủ thông tin để có thể tới Việt Nam làm việc với thi hài Hồ Chí Minh.”
Nỗ lực để phỏng vấn những người đang làm trong phòng thí nghiệm đều không thành công. Theo Yurchak, người đã nghiên cứu cơ thể của Lenin trong nhiều năm và phỏng vấn những người làm việc tại phòng thí nghiệm, đó là do chính sách mới.
"Họ từng trả lời nhiều cuộc phỏng vấn vào những năm 1990, một trong những kênh truyền hình Nga thậm chí còn quay một phim tài liệu chi tiết về phòng thí nghiệm nằm dưới lăng mộ, cho tới khi có chính sách quản lý mới", ông nói.
Hậu Xô Viết
Phòng thí nghiệm gặp nhiều khó khăn sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1991 nhiều nhà dân chủ mới của Nga kêu gọi phá hủy của các lăng mộ, và đưa Lenin chôn cất ở nơi khác. Việc này đã gây ra một sự phản đối lớn, Yevgeny Dorovin, nghị sĩ quốc hội liên bang Nga nhớ lại.
"Rất nhiều người đã đến Quảng trường Đỏ để phản đối quyết định này", ông Dorovin nói. "May mắn là chỉ huy bảo vệ điện Kremlin cuối cùng đã xuất hiện và kêu gọi mọi người bình tĩnh, nói với họ rằng lăng mộ được an toàn".
Người dân tới thăm viếng lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ. |
Nhưng chính phủ ngừng cấp vốn cho dự án vào năm 1991, một lần nữa khiến số phận của lăng mộ lâm vào cảnh khó khăn. Đảng Cộng sản phản ứng bằng cách quyên góp.
"Chúng tôi trả tiền cho tất cả mọi thứ ngoại trừ khí đốt, điện nước," Dorovin giải thích, dù ông từ chối tiết lộ chi tiết số tiền chi tiêu. Nhà nước chỉ mới bắt đầu tài trợ lại cho lăng mộ lại một vài năm trước đây, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên mối đe dọa chính với tương lai của lăng mộ là thiếu lớp nghiên cứu kế cận. Các nhà khoa học đang ngày càng già đi, và không có các nhà nghiên cứu trẻ sẵn sàng để thay thế.
"Những người trẻ tuổi không còn quan tâm đến khoa học lăng tẩm nữa, nó không còn uy tín như xưa", Yurchak nói.
Nếu không tìm ra giải pháp duy trì lăng mộ, có nghĩa là thí nghiệm kéo dài 92 năm này sẽ đi đến hồi kết.
"Đó sẽ là một mất mát của khoa học, nghiên cứu và khám phá, là những gì các nhà khoa học đang lo ngại," Yurchak nói.