Khi bà cất tiếng hát thị phạm cho các học trò trẻ, tôi để ý thấy ông nhìn bà đắm đuối. Còn khi ông cất tiếng hát minh họa cho một câu chuyện đang kể, thì bà ở trong bếp liền hát đế vọng ra.
Rồi bà bảo: “Mình chỉ là cái váng thôi, chứ anh ấy là bậc thầy của mình về mọi lĩnh vực của nghề”. Và xem họ diễn chèo cùng nhau nữa thì chỉ còn có thể thốt lên: Trời sinh một cặp.
Từ hai cái nôi nghệ thuật…
Ông Vũ Ngọc sinh năm 1946 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ thuật nòi với cha là Nghệ sĩ nhân dân, hề chèo nổi tiếng Tư Liên. Mẹ ông cũng mê chèo và mê hát từ thời trẻ nhưng rồi bà phải bỏ niềm đam mê của mình cho việc sinh và nuôi 7 đứa con.
Thuở còn nhỏ, nhà ông ở ngay dưới tầng hầm của nhà hát Lạc Việt (số 50 Đào Duy Từ hiện nay), chuyên diễn chèo, nên có lẽ nghệ thuật chèo ngấm vào máu ông từ đó. Ông chủ nhà hát Lạc Việt lại có điện thờ Mẫu tại gia, Vũ Ngọc được xem nhiều giá hầu đồng của ông nên cũng mê luôn cả nghệ thuật múa trong loại hình tín ngưỡng thuần Việt này.
Năm 13 tuổi (1959), Vũ Ngọc đã được cha mẹ cho vào học khóa 1 tại Trường Nghệ thuật ca kịch dân tộc Việt Nam (tiền thân của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ngày nay).
Nhớ về cha mình - Nghệ sĩ nhân dân Tư Liên, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Ngọc chia sẻ: Cha tôi rất đặc biệt. Bình thường ông hiền lành, ít nói, nhưng khi ra đến sân khấu, dù chưa làm gì mà phía dưới sân khấu đã vang tiếng cười của khán giả.
Thật là bản năng trời cho, cộng với cái máu nghề chảy trong huyết quản, luôn đầu tư trí tuệ cho ngôn ngữ hình thể. Và có lẽ chính cha tôi đã là động lực để cả 3 anh em tôi đều theo nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Còn bà Đoàn Thanh Bình, cũng sinh ở Hà Nội khi Thủ đô vừa giải phóng, năm 1954, trong một gia đình “nòi” về sân khấu truyền thống. Bà nội của Thanh Bình chính là diễn viên chèo nổi tiếng Trịnh Thị Lan, nghệ danh là Cả Tam, cùng thời với nghệ sĩ Trùm Thịnh.
Cụ Cả Tam sau này cũng được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên, năm 1984, sau khi cụ mất 13 năm, mang theo niềm ao ước có cháu nối nghiệp chèo, bởi cha mẹ của Thanh Bình lại là nghệ sĩ cải lương (có tiếng ở Đoàn cải lương Bắc Thái lúc bấy giờ). Nghệ sĩ nhân dân Thanh Bình nhớ lại: Thuở nhỏ đi sơ tán ở cùng bà nội, tôi được bà truyền dạy cho các làn điệu chèo cổ.
“Nghe tôi hát, bà tôi bảo: Giọng cháu có màu, lại trường canh chắc, sau này đi theo nghề là tốt. Nhưng tôi chả thích, hát vì sợ bà mà thôi. Và học hết lớp 7, tôi vào đoàn cải lương của cha mẹ mình, cho tiện”.
Đến khi cụ Cả Tam mất, năm 1971, phần vì thương bà, phần vì đã được xem Nhà hát Chèo về diễn Súy Vân, Quan Âm Thị Kính, Lọ nước thần…, cũng thấy thích chèo. Rồi bố dỗ dành nữa, cuối cùng Thanh Bình cũng vào học lớp Chèo A của Trường Trung cấp Nghệ thuật tại Hà Nội. Con đường đến với Chèo của Thanh Bình bắt đầu từ đây.
… đến “một cặp trời sinh”
Sau gần 10 năm đi bộ đội, ở đoàn văn công Trường Sơn, năm 1975, khi Thanh Bình đã tốt nghiệp ra trường và về công tác tại Đoàn 1 Nhà hát Chèo Việt Nam thì lúc ấy Vũ Ngọc mới ra quân và về trường học làm giáo sinh Chèo.
Có một năm, cả hai người bất ngờ gặp nhau trong buổi đến chúc Tết cô giáo Lệ Hiền (từng đóng Thị Kính cùng nghệ sĩ Trùm Thịnh, và cũng từng diễn cùng nghệ sĩ Tư Liên), dạy Vũ Ngọc từ năm 1959 và sau đó cũng dạy Thanh Bình. Thế là, như trời định sẵn, cả hai bên cha mẹ lại cũng đã từng là bạn nghề với nhau cùng “hợp lực” với cô Lệ Hiền để xe duyên cho Vũ Ngọc - Thanh Bình.
Cuối năm 1978, khi Vũ Ngọc đã ra trường và được giữ lại trường giảng dạy, thì họ về một nhà. Bà Bình kể: “Thật buồn cười, chúng tôi cưới nhau ngày 14/8 âm lịch. Ai cũng bảo tại sao lại chọn ngày “đi chơi cũng lỗ” thế, nhưng họ có biết đâu, lý do rất đơn giản: Hôm sau tôi phải đi diễn ở xa.
Thế là cũng chẳng có trăng mật trăng đường gì hết. Suốt gần hai chục năm đời diễn viên (anh Ngọc từ năm 1981 cũng về Nhà hát Chèo, biên chế ở đoàn 2), vợ chồng chúng tôi cứ như hai cái tay cối, người này vừa đi diễn về thì người kia lại lên đường.
Cuộc sống thì nghèo, vất vả, nên không có cả thời gian mà sinh con nữa. Vợ chồng tôi chỉ có mỗi mụn con gái thôi. Sinh con ra cũng toàn phải gửi con ở nhà cho bà nội và bác, để bố mẹ… đi diễn.
Vai diễn để đời với “cặp đôi trời sinh” này là Tuần Ty - Đào Huế. Với trích đoạn này, họ đã trở thành một hiện tượng trong chuyến biểu diễn tại 5 nước Tây Âu của đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam năm 1984 do Nhà nước cử đi, gồm có Chèo, Cải lương, Tuồng, Rối nước. Thời ấy, đi nước ngoài là một cơ may hiếm hoi, mà lại cả hai vợ chồng cùng đi, đã có tiếng xì xèo là “họ sẽ ở lại không về nước”.
Trưởng đoàn đi - đạo diễn Trần Bảng phải đứng ra bảo lãnh. Mà vượt qua sự lựa chọn khắt khe trong cuộc thi tổ chức tại Nam Định đâu có dễ gì! “Đó cũng là cơ hội để tôi có thể khẳng định vai diễn của riêng mình mà thôi, chứ không có mục đích xa xôi thế” - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Ngọc nói.
Cuối cùng thì họ cũng được chọn và sóng đôi lên đường “mang chuông đi đánh nước người” với trích đoạn chèo “Tuần Ty - Đào Huế”. Và thành công vang dội. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Bình tâm sự: “Đào Huế là một vai diễn khó về tâm lý nhân vật, lại phải hát nhiều. Không hát tốt, diễn xuất tốt thì không thể đạt.
Lại còn đòi hỏi sự ăn ý với bạn diễn. Tôi đã từng diễn vai này với vài bạn diễn khác nhưng chỉ với anh Ngọc, tôi mới hài lòng nhất. Vì chúng tôi hiểu ý nhau, tập với nhau cả ở nhà và ở sàn, chỉnh sửa góp ý cho nhau.
Khi chúng tôi diễn ở Tây Âu, không chỉ Việt kiều thích mà khán giả nước ngoài cũng mê. Đạo diễn, NSND.GS Trần Bảng nhận xét: Đây là một cặp diễn tung hứng nhau ăn ý nhất. Còn GS Trần Văn Khê nói: Thật là một tiết mục đẹp mắt sướng tai.
Dù mỗi người biên chế ở một đoàn, Thanh Bình chuyên diễn chèo cổ còn Vũ Ngọc chủ yếu diễn chèo hiện đại, nhưng họ đều có những vai diễn thành danh của riêng mình, và thành công của người này đều có sự hỗ trợ của người kia.
Bà Bình kể: Tôi học được ở anh ấy rất nhiều, cả về chuyên môn và sự đau đáu, trăn trở với vai diễn được nhận. Ví dụ có đêm đang ngủ, anh ấy chợt nghĩ ra một vũ đạo hầu đồng cho “Phù thủy sợ ma”, thế là anh bật ngay dậy và múa luôn cho tôi xem để góp ý (sau, anh đã truyền cho nghệ sĩ Mạnh Phóng đoạn vũ đạo này để đi diễn ở Tây Âu năm 1984).
Cho vai Đế Thích, anh cũng tự nghĩ ra 3 quân cờ gắn vào cái quạt để khi phất quạt lên là 3 quân cờ bay lên theo. Những tìm tòi về ngôn ngữ hình thể của anh cũng là bài học với tôi.
Còn với bà, thì đấy, cho đến tận bây giờ, nghe bà hát mà tôi thấy ông vẫn nhìn bà thật đắm đuối, say mê. Ông bảo: Giọng bà ấy có lửa, tiếng hát có hồn. Quả thật, đã gần thất thập rồi, giọng bà vẫn vang, rền, ngân, nhấn, vuốt, nẩy... kỹ càng từng lời. Nghe bà hát, và ngắm miệng bà tròn vành nhả chữ, tôi cứ mê đi.
Ông Vũ Ngọc cũng làm tôi mê. Đang ngồi nói chuyện nghề, ông kể về vai diễn Cả Hân của mình, đến đoạn Cả Hân đang trên sân khấu nghe tin vợ chết, ông diễn luôn, như thật, mặt ông bỗng đỏ lên, miệng méo xệch nói lời thoại, hai tay giơ lên trời…
Má tôi ướt nước mắt lúc nào không hay. Lặng đi một lúc, ông bảo: Đấy, âm dương cách biệt là thế. Mình phải nhập vai, phải thả hồn mình vào, và vẫn đủ tỉnh táo để biết cần phải diễn hình thể ra sao.
Tôi hiểu rằng, chắc có một yếu tố nữa làm nên thành công của ông ở vai Cả Hân này, đó là lửa tình của ông với bạn diễn - vợ hiền.
Ông không chỉ giỏi diễn, mà còn là “phù thủy trống”. Chính vì thế, có lẽ khó có người thứ hai vào vai “Phù thủy” nhuyễn được như ông. Mà cũng lạ, thật là trời sinh. Sau này khi đã nghỉ hưu, ông bà có nhiều cơ hội đi diễn cùng nhau, khi bà hát thì ông trống, câu hát và nhịp trống thật tương phùng tương ngộ.
Dân gian từng có câu “Phi trống bất chèo”. Tôi muốn mượn nó để nói: “Phi Vũ Ngọc bất Thanh Bình”. Họ đúng là một cặp trời sinh.
Cùng trao truyền lửa
Năm 1996, bà chuyển sang làm giảng viên Chèo tại Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh, sau 31 năm trên sàn diễn. Vậy là bà trở lại nghề “giáo sinh” mà ông được đào tạo, để trao truyền tất cả tâm huyết và tài năng của mình cho thế hệ trẻ.
Cả hai cùng nghỉ hưu, ông bà tham gia diễn trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc, dẫn dắt Giáo phường Đình làng Việt… chủ yếu là để truyền nghề cho lớp trẻ, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống.
Không những thế, nhà của ông bà cũng là một “sân khấu”, một “giảng đường”, để các học trò vẫn còn nhiều tâm huyết với Chèo cổ đến đây nghe thầy cô chỉ bảo, giao lưu cùng thầy cô. Nhìn các bạn trẻ ngồi nghe như nuốt lấy từng lời, thấy yêu mến thầy trò họ biết bao, và thêm tin những giá trị truyền thống sẽ được họ bảo tồn mãi mãi.
Nhưng, rồi lửa nghề trong những người trẻ kia có được nuôi giữ mãi không trước cơm áo không đùa? Họ có “thông thủy” được trọn vẹn với nghề không; và liệu có ai trong số họ có thể đủ cả tài và tâm để hai người thầy mẫu mực kia trao truyền những “sợi tơ” mà họ đã rút ruột cả đời? Tôi cảm nhận được nỗi ưu tư của cặp đôi nghệ sĩ chèo trời sinh ấy.