Đổi mới và thực hành tốt trong giáo dục theo quan điểm toàn cầu

GD&TĐ - Đó là chủ đề của Hội nghị Quốc tế về Đổi mới Giáo dục lần thứ 7 do diễn ra tại Khách sạn Hương Giang (TP Huế) khai mạc sáng nay (15/3).

GS.TS Bùi Văn Ga phát biểu chào mừng Hội nghị
GS.TS Bùi Văn Ga phát biểu chào mừng Hội nghị

Hội nghị với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ Brunei, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Burma, Trung Quốc, Qatar, Mỹ, Nam Phi... và lãnh đạo các trường đại học của Việt Nam.

Hội nghị do Trường Đại học Sư phạm - Đại học Mahasarakham (Thái Lan) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (Việt Nam), Đại học Quốc gia Lào (CHDCND Lào) và Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Giáo dục Thái Lan tổ chức.

Hội nghị nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới giáo dục đáp ứng những yêu cầu của thế kỷ 21, tạo diễn đàn chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như những kết quả nghiên cứu về đổi mới giáo dục và nâng cao khả năng hợp tác giữa những cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Trong diễn văn khai mạc, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo  - đã khen ngợi Trường Đại học Sư phạm Huế trong việc nỗ lực phối hợp với các khoa giáo duc thuộc các trường ĐH Đông Nam Á để tổ chức Hội nghị; 

Thứ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của Hội nghị bởi đã đề cập đến những vấn đề thời sự liên quan đến phát triển giáo dục, đây cũng là những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. 

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Để phát triển nhanh nguồn lực chất lượng cao nhằm đáp ứng những yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa, Chính phủ Việt Nam hiện đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đặc biệt tập trung vào việc đổi mới cơ chế đào tạo và phát triển mạng lưới các trường đại học; nâng cao năng lực của đội ngũ giảng vên; đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới hoạt động NCKH; đổi mới cơ chế tài chính; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo CBQL giáo dục, đào tạo 20.000 TS cho các trường ĐH và CĐ cho đến năm 2020; xúc tiến việc hợp tác với các trường đại học thuộc các nước đối tác chiến lược của Việt Nam...”.

Phần trình bày của GS.TS Curtis J.Bok (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) đã đem đến Hội nghị bầu sinh khí phấn khích trước những ý tưởng mới mẻ.
 Phần trình bày của GS.TS Curtis J.Bok (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) đã đem đến Hội nghị bầu sinh khí phấn khích trước những ý tưởng mới mẻ. 

Bằng cách trình bày súc tích, hóm hỉnh đầy sự trải nghiệm thực tế, GS.TS Curtis J.Bok đã đem đến Hội nghị bầu không khí sôi nổi với những ý tưởng về sự cải thiện thực trạng chất lượng và nhận được nhiều sự chia sẻ của các đại biểu về những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của Hoa Kỳ về quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục, ứng dụng CNTT.

PGS.TS Prawit Eravan - Trưởng khoa Giáo dục (Đại học Mahasarakham) - cho rằng. “Một khi chúng ta nhận ra rằng, Hội nghị này được tổ chức là để xem xét tất cả các ý tưởng trên thế giới, thì nó sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội để lựa chọn những ý tưởng có thể được áp dụng để cải thiện cộng đồng Asian. 

Những cuộc thảo luận quốc tế cho phép chúng ta đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề quan trọng của thế giới và vì thế cho phép chúng ta có thể thiết lập vị thế của mình trên bản đồ thế giới.

Chủ đề của các phiên trình bày, ý kiến chuyên môn của các báo cáo viên và người tham dự sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để tiếp nhận cũng như chia sẻ các ý tưởng thông qua đối thoại quốc tế”.

Theo đó, các chủ đề: Quản lý và phát triển giáo dục, Đổi mới trong giáo dục và ứng dụng CNTT; Chương trình dạy và học; Giảng dạy và đào tạo giáo viên; Giáo dục trong thế kỷ 21; Giáo dục cho các nhóm đối tượng khác nhau sẽ được các đại biểu trao đổi trong suốt 2 ngày diễn ra Hội nghị Quốc tế về Đổi mới Giáo dục lần thứ 7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ