Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục đại học đa dạng phương thức tuyển sinh theo thời gian, dù tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Tạo cơ hội cho người học
Ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới tuyển sinh trong 9 năm qua, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên Nguyễn Hữu Công khẳng định, điều này mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho thí sinh và cơ sở đào tạo. Trên hết, đổi mới tuyển sinh đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Đơn cử như năm 2023, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức tuyển sinh rất tốt, đồng hành và hỗ trợ nhiều cho các trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đây là cơ sở thực tiễn để Bộ GD&ĐT quyết định giữ ổn định công tác tuyển sinh trong năm 2024, giúp thí sinh và cơ sở đào tạo yên tâm, tránh những xáo trộn không đáng có.
Cho rằng, những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cao nhất cho người học, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) nhấn mạnh, việc đổi mới này cũng bảo đảm tinh thần tự chủ của cơ sở đào tạo. Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành (mã tuyển sinh) thay vì đăng ký xét tuyển theo phương thức. Do đó, khi nhà trường có thêm phương thức tuyển sinh sẽ đa dạng lựa chọn cho thí sinh, tạo cơ hội để các em có thể trúng tuyển ngành học yêu thích. Với trường đại học, việc dựa trên các phương thức khác nhau cũng giúp lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất.
Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh từ năm 2015, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, tất cả những đổi mới đều hướng tới mục tiêu thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất cho người học. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.
Về việc sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá, thực trạng này gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyến nghị, mùa tuyển sinh năm nay, các cơ sở đào tạo cần giữ ổn định phương thức xét tuyển. Đối với phương thức tuyển sinh đang sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình. Chẳng hạn, không giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, tránh gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Các trường cũng cần phân tích rủi ro và phương án giải quyết, phối hợp giải quyết trong quá trình tuyển sinh.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, muốn đánh giá tuyển sinh cần nhìn vào số lượng và tỷ lệ sinh viên tuyển được. Qua 9 năm đổi mới tuyển sinh, có một số năm đầu số lượng giảm xuống nhưng nếu nhìn cả quá trình sẽ thấy sự tăng trưởng bền vững. Cả hệ thống giáo dục đại học cố gắng cùng nâng cao chất lượng. Niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đại học, nhân lực trình độ cao nâng lên.
Dù mỗi năm có điều chỉnh trong công tác tuyển sinh nhưng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, những điều chỉnh ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý Nhà nước. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mà thí sinh có thể đăng ký xét tuyển mọi lúc, mọi nơi. Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm.
Dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh vẫn đối diện với những khó khăn trong chọn ngành, trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh. Do đó, Thứ trưởng lưu ý, đa dạng phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.
Bên cạnh đó, còn một số đơn vị chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học. Thứ trưởng lưu ý, công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần đẩy mạnh, giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung, nếu có chỉ điều chỉnh về kỹ thuật. Những vấn đề còn tồn tại như: Quá nhiều phương thức tuyển sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, công bằng trong tuyển sinh, bất cập xét tuyển sớm… cần được điều chỉnh. Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, nếu một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, có yêu cầu phức tạp hơn thì vẫn cần hệ thống đăng ký và nhận hồ sơ riêng. Trong cùng một ngành nên quy về một thang điểm để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.