Đổi mới tư duy tiểu thuyết: Yêu cầu cấp thiết

GD&TĐ - Trong bối cảnh văn học Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức của thời đại toàn cầu hóa, tiểu thuyết tuy tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật. Do đó, vấn đề “đổi mới tư duy tiểu thuyết” có ý nghĩa sống còn đối với nền văn học đương đại.

Đổi mới tư duy tiểu thuyết: Yêu cầu cấp thiết

Chất và lượng không đồng đều

Tại Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” của Hội Nhà văn Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam năm 2018, nhà văn Bùi Việt Thắng cho biết: “Gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết tuy tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật”.

Theo nhà văn Bùi Việt Thắng, “đổi mới tư duy tiểu thuyết” là vấn đề không mới nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn chương, bởi “văn chương cũng như cách mạng, phải liên tục đấu tranh để phát triển và muốn phát triển bền vững thì phải triệt để và thường trực đổi mới. Đổi mới xã hội và nghệ thuật là một quá trình liên tục và biện chứng”.

Được xem là một thể loại lớn, với khả năng bao quát đời sống và dung nạp các thể loại khác, tiểu thuyết đang trở thành mối quan tâm thường trực của những người sáng tác, giới phê bình và công chúng văn học.

GS Phong Lê trong tham luận “Văn học hôm nay – ghi chép và nghĩ ngẫm” đã điểm danh các thế hệ người viết, chỉ ra các dòng mạch vận động của tiểu thuyết từ đầu thế kỉ XX đến nay. Đồng thời, và chính yếu, ông bày tỏ những quan tâm thỏa đáng đến diễn tiến của văn học trẻ với những nhu cầu và thị hiếu mới thể hiện đời sống của thế hệ 8X, 9X. Nhưng, GS Phong Lê cũng bày tỏ những lo ngại về khả năng mai một các giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay.

Nỗ lực đổi mới chính mình

Có thể nói trong quá trình vận động và đổi mới, tiểu thuyết đã trải qua “những bước thăng trầm”. So với những loại hình văn xuôi khác, tiểu thuyết với những thành tựu và hạn chế của nó luôn là vấn đề “nóng” lôi cuốn sự quan tâm của cả giới sáng tác, lý luận, phê bình và công chúng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Vấn đề “đổi mới tư duy tiểu thuyết” được đặt ra từ cuộc hội thảo năm 2002 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhưng đến nay vẫn hết sức thời sự. Nhiều năm qua, tiểu thuyết Việt Nam tuy có nhiều đóng góp và đổi mới ở nhiều phương diện, nhưng tư duy tiểu thuyết và cách tân nghệ thuật vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể.

Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn hiếm có những tiểu thuyết được tôn vinh. Vì vậy, cần phải tập trung đầu tư cho thể loại này nhiều hơn nữa, trước hết là đầu tư cho đội ngũ sáng tác.

Nhà văn Lê Thành Nghị cho rằng vấn đề cốt tử không thể không bàn tới khi nói về đổi mới tư duy tiểu thuyết chính là người viết cần đặc biệt quan tâm đến tư tưởng chủ đề tác phẩm, điều mà tiểu thuyết Trung Quốc những năm gần đây rất quan tâm. Một bài thơ nhỏ cũng cần chuyển tải một nội dung nào đó, huống hồ một tiểu thuyết. Người đọc tiểu thuyết không chỉ là theo dõi câu chuyện qua sự dẫn dắt bằng ngôn từ nghệ thuật điêu luyện, mà còn qua câu chuyện, họ muốn được rút ra bài học nào đó.

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu và hội nhập với thế giới, tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng chỉ được độc giả trong nước và bên ngoài đón nhận khi nhà văn đổi mới tư duy nghệ thuật và bút pháp sáng tạo.

Mọi sự tìm tòi, đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết chỉ thực sự có ý nghĩa khi nhà văn với tài năng và tâm huyết của mình có một cái nhìn mới về hiện thực cùng giao nhịp với dòng mạch văn học nhân loại, tạo nên một sinh thể mới cho tiểu thuyết và rộng ra cho văn học Việt Nam đương đại...

Nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng, trong xã hội hiện đại, chỗ đứng cho tiểu thuyết đã và đang bị thu hẹp dần bởi các phương tiện thông tin giải trí khác. Nhà văn cần phải đổi mới cách viết, cách tiếp cận công chúng để làm sao cho tác phẩm của mình chiếm được một chỗ trong lòng độc giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.