Kỳ vọng vào lớp trẻ

GD&TĐ - “Sáng tác thơ đang trở thành trào lưu nhưng ít người đọc thơ dẫn đến việc xét, bình chọn trao giải cho thơ hay còn lúng túng; việc xét kết nạp hội viên chưa được kỹ lưỡng, vẫn còn bỏ sót những cây viết trẻ xứng đáng vào hội...”, đó là trăn trở của nhà thơ Vũ Quần Phương tại Hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong chuỗi sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI.

Kỳ vọng vào lớp trẻ

Thực trạng thơ đang “đi lên” hay “đi xuống”?

Đánh giá chung về chất lượng các tác phẩm thơ năm 2017, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, thơ đang “mất mùa”. Lý do vì giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay không có thơ, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội không trao cho thơ và giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM cũng không có giải thưởng chính thức cho thơ, chỉ có tặng thưởng cho mấy tập thơ.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, hiện đang tồn tại một thực trạng người sáng tác thơ quá nhiều, nhưng không có thơ hay. Và câu hỏi đặt ra, phải chăng thời đại vàng son của thi ca đã qua, và thơ ca hiện nay đang chịu lép vế trước cơn lốc của công nghệ... Tiếng nói của nhà thơ không thể đại diện cho tiếng nói của trí thức, nhà thơ hiện nay đã xa rời đời sống cần lao của người lao động nên thi ca không đủ sức lay động lòng người?

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng nhận thấy, các cây bút trẻ đã có sự tìm tòi, thể nghiệm mới. Song họ có đủ sức tạo nên một dòng chảy, xây dựng hệ thống thư pháp mới cho thơ ca hiện nay hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.

Theo nhà thơ Vương Trọng, hàng ngàn tập thơ xuất bản mỗi năm nhưng hầu hết chỉ nói nỗi riêng của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện lớn của đất nước. Nhiều người than rằng ngày nay bạn đọc ngoảnh mặt với thơ, mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam “Đất nước mình ngộ lắm phải không anh”, được triệu người tìm đọc, bàn tán, họa lại… đâu phải do nghệ thuật siêu việt, cái chính là nói đúng điều người ta suy nghĩ, thì bạn đọc vẫn quan tâm.

Nhà thơ Thanh Thảo đặt ra những vấn đề tự do sáng tác trong thơ. Bây giờ, gần như không còn những đề tài cấm kỵ trong thơ như trước đây thì xem ra, thơ tình quanh quẩn lại lên ngôi, trong khi dòng thơ thế sự giảm hẳn.

Hi vọng vào những cây viết trẻ

Thơ Việt là bức tranh nhiều màu sắc, phản ánh những cố gắng tìm tòi không ngừng của nhà thơ. Thế hệ thơ mới phải tìm cho mình con đường đi để thiết lập những giá trị về nghệ thuật thi ca hiện đại, chỉ có thế mới thật sự có được những gương mặt thơ mới tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn học đương đại.

Nhìn nhận về các tác giả trẻ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, các tác giả trẻ thường trình bày khá sinh động, đa dạng cái tôi hiện đại của mình trong một cuộc chơi nhằm đổi mới ngôn ngữ thơ, nó mang hơi thở mới, nỗi buồn vui của đời sống đô thị hôm nay. “Một cái đặc trưng của thơ trẻ hiện nay là cái tôi gai góc, cái tôi cực đoan, cái tôi xa lạ, cái tôi khác người luôn được thể hiện, được hướng tới, được nhìn nhận, được khẳng định ở nhiều khía cạnh khác nhau trong nhiều bài thơ của họ”.

Theo nhà thơ Mai Nam Thắng, ngày nay trong văn hóa đọc đang phải chống chọi với sự công phá như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn và nhiều hình thức giải trí tiện ích hấp dẫn.

Thời thế bây giờ nhiều giá trị đang bị đảo lộn, đánh tráo, tác động không nhỏ tới tư tưởng thẩm mỹ của các cây bút trẻ cũng như cảm xúc thẩm mỹ của công chúng. Đó là điều đáng tiếc của thơ trẻ hôm nay. Chính vì thế đòi hỏi nhà thơ trước hết phải là một công dân trách nhiệm. Và đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nêu lên một số vấn đề có tính cốt lõi của thơ Việt đương đại. Ông nhấn mạnh, thơ Việt Nam đương đại tồn tại đan xen ba đặc điểm: Tập trung hóa, đa dạng hóa, kết tinh hóa. Ba đặc điểm này đồng hành, tương hỗ và “đấu tranh” với nhau để làm nên đời sống thơ ca phong phú nhiều cung bậc. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ cần phải hay, cái hay mang giá trị, tầm vóc văn hóa sẽ ở lại lâu bền trong lòng người. Đó là con đường và cũng là điểm đến của thơ Việt đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.