Đổi mới thi, tuyển sinh để nâng cao chất lượng đào tạo

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng Bộ GD&ĐT đã chọn đổi mới thi, tuyển sinh để tác động đến cách dạy, cách học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là một chủ trường đúng đắn vì trên thực tế học sinh nước ta hiện nay chỉ nhắm vào kỳ thi để học. Tâm lý đó cần được thay đổi nhưng không thể trong một sớm một chiều được.

Đổi mới thi và tuyển sinh có tác động tích cực đến nâng cao chất lượng đào tạo
Đổi mới thi và tuyển sinh có tác động tích cực đến nâng cao chất lượng đào tạo

PGS.TS Nguyễn Ngọc VũGiám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét, phương thức tổ chức kỳ thi qua nhiều năm đổi mới đã hoàn thiện và xã hội cũng đã chấp nhận và đánh giá tốt. “Một số khâu còn bất cập thì tiếp tục điều chỉnh, đó chỉ là những lỗi kỹ thuật chứ không phải lỗi do bản chất kỳ thi” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng nêu quan điểm rất muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì ổn định Kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ để các trường ĐH xét tuyển cho đến năm 2020 như đã công bố với xã hội để tạo tâm lý ổn định, lòng tin và sự yên tâm cho phụ huynh, thầy cô và học sinh trong việc dạy và học. “Thí sinh thi năm nay đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước. Đặc biệt theo lộ trình mà Bộ đã công bố thì năm 2019 này kiến thức thi sẽ bao gồm cả chương trình 3 năm THPT” - ông Vũ cho biết.

ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như những năm vừa qua. “Đồng thời, ĐH Đà Nẵng cũng tích cực, chủ động chuẩn bị phương án thi riêng để áp dụng sau năm 2020 hoặc trong trường hợp Bộ có sự thay đổi về mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi cũng như phần lớn lãnh đạo các trường ĐH là rất mong muốn Bộ tiếp tục duy trì ổn định Kỳ thi THPT quốc gia để các trường ĐH làm căn cứ xét tuyển cho đến năm 2020 như đã công bố với xã hội để tạo tâm lý ổn định cũng như sự yên tâm cho phụ huynh, thầy cô và học sinh trong việc dạy và học”.

Theo như phân tích của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, “để các trường có thể tổ chức kỳ thi riêng thì cần phải có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng, vì đây là việc rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội. Đối với những ĐH lớn như ĐH Đà Nẵng, lực lượng cán bộ mạnh thì việc tổ chức kỳ thi không có vấn đề gì nhưng đối với phần lớn các trường nhỏ, để tổ chức một kỳ thi có chất lượng và nghiêm túc là không hề đơn giản”.

Theo đánh giá của Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì Kỳ thi THPT quốc gia 4 năm qua đã được tổ chức rất tốt. “Sau mỗi năm chúng ta đều có tổng kết đánh giá. Tuy có những bất cập nhưng ai cũng thừa nhận kỳ thi năm sau tốt hơn năm trước, những bất cập của năm trước thì năm sau không xảy ra. Xã hội đã thở phào nhẹ nhõm, tiết kiệm chi phí lớn cho cả phụ huynh, các đơn vị giáo dục và cả xã hội. Kỳ thi “3 chung” trước đây chúng ta đã phải trải qua 13 năm kinh nghiệm mới thấy yên tâm. Điều đó cho thấy đổi mới thi cử phải có lộ trình và không hề dễ dàng. Thế nên không thể “đẽo cày giữa đường” khi thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh được”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất 2 phương án khắc phục những bất cập của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 bằng cách quét (scan) và lưu bài làm gốc trắc nghiệm của thí sinh ngay khi giám thị đến nộp bài tại điểm thi như nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề xuất hoặc giao cho các trường ĐH phối hợp tổ chức thi thực hiện khâu chấm thi và tăng cường thanh tra, giám sát như cách chúng ta đã triển khai ở các năm 2015, 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.