Đó là nhận định của Th.S Nguyễn Thị Thúy (Trường THPT Nguyễn Du) - một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nghiên cứu kỹ hai phương án lựa chọn môn thi trong dự thảo, cá nhân Th.S Nguyễn Thị Thúy nghiêng về phương án 2. Theo đó, thí sinh sẽ thi 5 môn, gồm: 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 2 môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
“Đất nước ta đang trong thời kì hội nhập. Ngoại ngữ là điều kiện rất cần trong việc tìm kiếm, lĩnh hội, tiếp cận kiến thức, khoa học của các nước tiên tiến khác.
Nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, việc học ngoại ngữ sẽ trở thành nhiệm vụ hiển nhiên và được chú trọng. Điều này sẽ giúp học sinh được rèn luyện liên tục.
Cho dù cách thi ngoại ngữ như lâu nay mới chỉ chú trọng thi kỹ năng viết, đọc hiểu, còn nghe và nói vẫn rất yếu. Vậy cần thay đổi điểm yếu này qua chính việc đổi mới cách dạy, đổi mới hình thức tổ chức dạy học” - Cô Thúy phân tích.
Tán đồng việc cần phải đổi mới thi tốt nghiệp THPT, nhưng côNguyễn Thị Thúy băn khoăn về thời điểm áp dụng quy định mới: “Phương án thi tốt nghiệp THPT mới cần có thời gian để học sinh, cha mẹ học sinh chuẩn bị tâm lý.
Nếu áp dụng ngay trong năm nay, kế hoạch thực hiện nên được thông báo ngay từ đầu năm học. Còn hiện nay đã kết thúc học kỳ I, nếu đột ngột thay đổi phương án thi sẽ gây tâm lý bất ngờ, học sinh không kịp chuẩn bị”.
*****
Nhằm giúp Ngành Giáo dục có một phương án thi tốt nghiệp ổn định từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi có lứa học sinh đầu học xong chương trình mới để thi theo phương án mới, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo đánh giá thực chất hơn, báo GD&TĐ mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: thitnpt@gmail.com