Đội ngũ giáo viên (GV) chủ động tăng cường tính tự chủ trong điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đối tượng HS, đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). HS phấn khởi ra sức thi đua phấn đấu học tập và rèn luyện, tạo nên các hoạt động GD hết sức sinh động và hiệu quả.
Đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn
Từ một địa phương được xếp thứ hạng 6 - 7 của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, nhưng liên tục trong những năm học qua, ngành GD&ĐT thành phố Hội An vươn lên giữ vững vị trí Nhất, Nhì toàn tỉnh.
Chia sẻ những kinh nghiệm hay trong công tác chỉ đạo chuyên môn, thầy Nguyễn Văn Dung – Trưởng phòng GD&ĐT Hội An - cho biết, đây là kết quả của sự nỗ lực thực hiện ổn định tình hình đội ngũ, giải quyết các chế độ chính sách trong ngành.
Triển khai thực hiện tốt kế hoạch bổ nhiệm cán bộ trường học. Thực hiện đảm bảo quản lý tài chính, xây dựng cơ bản và tài sản trong đơn vị.
Cải tiến công tác quản lý trong nội bộ ngành GD&ĐT, đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra trường học… Từ đó tạo nên một không khí dân chủ, tinh thần thi đua phấn đấu ở từng đơn vị trường học, trong từng cán bộ, GV.
Theo thầy Nguyễn Văn Dung, một trong những giải pháp cơ bản nhất nhằm đẩy mạnh đổi mới PPDH là thay đổi hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn.
Bởi hiệu quả của công tác sinh hoạt chuyên môn sẽ quyết định đến việc thực hiện đổi mới PPDH và phong trào đổi mới PPDH ở các đơn vị cơ sở.
Thầy Dung cho hay: Trong nhiều năm học qua, ngành GD&ĐT Hội An đã tích cực chỉ đạo các trường thực hiện đổi mới PPDH và phong trào đổi mới PPDH.
Đặc biệt, trong 2 năm học gần đây, 12 trường tiểu học đã được tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, học tập theo Mô hình Trường học mới VNEN về cách tổ chức lớp học, tổ chức sư phạm, hoạt động học theo nhóm…
Nhiều đơn vị đã áp dụng thành công cách tổ chức dạy học mới này như ở Trường TH Phù Đổng, TH Trần Quốc Toản, TH Lý Tự Trọng, TH Sơn Phong, TH Cẩm Phô.
Cùng với đó, Phòng GD&ĐT đã tổ chức đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng “nghiên cứu bài học”. Đối với các trường trong và ngoài Dự án VNEN, ngành GD&ĐT đã tiến hành chỉ đạo, triển khai và theo dõi sát sao việc sinh hoạt chuyên môn theo hình thức: Tổ chuyên môn sinh hoạt 3 lần/tháng, trường học 1 lần/tháng, cụm trường 2 lần/học kỳ.
Thầy Nguyễn Hậu – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hội An phụ trách chuyên môn bậc tiểu học - cho biết thêm: Trong thời gian qua, ngoài việc duy trì việc bồi dưỡng HS chưa hoàn thành yêu cầu các môn học, ngành GD&ĐT Hội An còn chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường công tác bồi dưỡng HS có năng khiếu các môn Tiếng Việt, Toán, Âm nhạc, Thể thao, Mỹ thuật… thông qua buổi học thứ 2 kéo dài trong suốt năm học.
Ở buổi học thứ 2 trong ngày, GV từng lớp sẽ tiến hành phân hóa đối tượng và chia HS thành từng nhóm theo trình độ hoàn thành, chưa hoàn thành, có năng khiếu và giao bài tập theo từng nhóm đối tượng để bồi dưỡng và phụ đạo sát hợp đối tượng.
Ngoài ra, còn phân hóa đối với những HS có năng khiếu về Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể thao, Ngoại ngữ để bồi dưỡng năng khiếu theo hình thức câu lạc bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên
Không riêng gì ở bậc tiểu học, công tác sinh hoạt chuyên môn bậc trung học cũng diễn ra hết sức sinh động, tạo nên một phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành GD&ĐT địa phương.
Theo thầy Nguyễn Văn Dung, trong suốt năm học, Phòng GD&ĐT thường xuyên xuống cơ sở để dự giờ rút kinh nghiệm bồi dưỡng tại chỗ cho GV.
Các kinh nghiệm được tổ THCS thảo luận, đúc kết thành kinh nghiệm và tiếp tục triển khai trong các chuyên đề chuyên môn hàng tháng cho GV trong toàn ngành GD.
Ngoài các hình thức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề bộ môn, Phòng GD&ĐT còn tổ chức riêng cho đội ngũ CBQL trường học các chuyên đề của tất cả bộ môn.
Đây là hoạt động không chỉ giúp CBQL nắm vững bộ môn được đào tạo, mà còn nắm bắt nội dung, phương pháp của tất cả các bộ môn khác, giúp nâng cao khả năng chỉ đạo toàn diện cho CBQL ở cơ sở.
Thầy Dung cho biết thêm: Hiện nay, ngành GD&ĐT Hội An có tồn tại một số thực trạng như: Một số GV hợp đồng tạm chuyển chưa nắm vững PPDH hiện đại từ trường sư phạm nên khi được giao đứng lớp vẫn còn lúng túng; GV từ các huyện trung du, miền núi mới chuyển về cũng còn nhiều lúng túng trong dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin; Một số GV thâm niên có dấu hiệu chủ quan trong chuyên môn, ít chú ý khâu soạn bài cải tiến nâng cao chất lượng, ít chú ý đến dự giờ đồng nghiệp; Hay như một số GV còn lạm dụng công nghệ thông tin trong dạy học…
Tất cả những vấn đề này đều được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giải quyết một cách quyết liệt. Chính vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, nội dung không chỉ tập trung nghiên cứu rút kinh nghiệm tiết dạy, góp ý nội dung, PPDH, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị… mà còn thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót trong chuyên môn của GV.
Theo đó, công tác kiểm tra, đánh giá GV cũng được thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu năm học và xem đây là một trong những nội dung quan trọng để đẩy mạnh đổi mới PPDH, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.