Đổi mới phương pháp giảng dạy: Làm sao để trò hứng thú

Đổi mới phương pháp giảng dạy: Làm sao để trò hứng thú

(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, các trường học trên cả nước sôi nổi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy giờ đây không còn là bài toán khó mà đã gắn liền với mọi hoạt động của người thầy giáo ở trên lớp học. Từ những chuyến đi cơ sở, chúng tôi đã gặp gỡ cao thủ về chuyên môn. Với họ, việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành niềm đam mê tìm tòi, khám phá.

Cô Nguyễn Thị Bích Trâm - Giáo viên Ngữ Văn - Trường THCS Nguyễn Hiền (Phú Ninh, Quảng Nam): HS thích Văn hay không là do giáo viên

Nhiều ý kiến nhận định, học sinh hiện nay không thích học môn Văn, cô có thấy như vậy? 

Cô Nguyễn Thị Bích Trâm
Cô Nguyễn Thị Bích Trâm

- Nói một cách chính xác là học sinh không chọn Văn do nhiều yếu tố chi phối. Còn việc học sinh có thích môn học hay không là do giáo viên dạy chứ không phải do các em. Ở những lớp tôi dạy, phần đông các em rất hứng thú học tập, tất nhiên cũng có tiết dạy không hoàn toàn thành công, và tôi nhận ra rằng, điều này phụ thuộc vào chương trình, nội dung bài dạy, nhất là phụ thuộc ở việc GV có tìm được cách tốt nhất để học sinh tiếp cận với bài dạy hay không?

Là giáo viên giỏi nhiều năm, có nhiều SKKN đạt giải cấp tỉnh, cô giáo có thể cho ví dụ cụ thể về vai trò quyết định của người thầy trong việc biến một bài dạy có nội dung khô khan trở thành hứng thú, hấp dẫn?

- Chương trình, SGK Ngữ Văn THCS, đa số giáo viên và các em học sinh đều cho rằng, phần “Văn bản nhật dụng” là “khó, khô, khổ”. Để học sinh có thể hứng thú khi học kiểu văn bản này, tôi đã nghiên cứu để vận dụng đổi mới cách dạy như nêu vấn đề, sử dụng tranh ảnh, băng video, tổ chức trò chơi, sử  dụng sơ đồ tư duy. 

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm đó của mình qua ví dụ minh họa cụ thể?

- Ở mỗi bài tôi luôn nghĩ ra cách giới thiệu bài  sao cho kết hợp  với việc đưa ra vấn đề (tình huống chứa mâu thuẫn cần giải quyết). Vấn đề có thể tiềm ẩn trong một mẩu chuyện vui, hay trong những  tranh ảnh có thông tin trái ngược. Khi dạy bài Thông tin về ngày trái đất năm 2000 (Ngữ văn 8) tôi dùng hai bức tranh: Một bức mang ý nghĩa tuyên truyền hạn chế dùng  bao ni lon” một ngày không dùng bao ni lon, một bức gồm nhiều ảnh nhỏ tạo nên câu chuyện về một gia đình dùng bao ni lông sáng, trưa, chiều, tối. Sau đó hỏi: Ý kiến của em về hai hình ảnh trên? Học sinh sẽ nhận thấy hai hình ảnh tương phản nhau: Trong khi thế giới hô hào việc bảo vệ môi trường “Một ngày không dùng bao ni lon” thì hằng  ngày  con người  làm ô nhiễm môi trường bằng việc sử dụng bao ni lon. Từ cái học sinh đã biết nhận thấy, tôi đưa ra vấn đề của bài học ẩn chứa trong câu hỏi “Vì sao phải  “một ngày  không dùng bao ni lông”? Em cần có thái độ hành động đúng ra sao? Và tôi cho học  sinh phát  biểu theo cách nghĩ của mình. Sau đó tôi giới thiệu bài: Những câu trả lời của các em đã giải quyết thỏa đáng các câu hởi chưa. Điều đó sẽ rõ  khi chúng ta tìm hiểu văn bản “Thông tin về ngày trái đất năm 2000” .

Tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy đang tạo ra luồng gió mới trong giáo dục
Tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy đang tạo ra luồng gió mới trong giáo dục

Cô Vương Thị Vân -Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (Đà Nẵng): Tránh rập khuôn máy móc

Trong báo cáo về thành tích “cán bộ quản lý giỏi cấp toàn quốc” cô có nhấn mạnh vai trò của cán bộ quản lý về chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học? Cô đánh giá như thế nào về khả năng đổi mới phương pháp của các GV ở bậc tiểu học hiện nay? 

Cô Vương Thị Vân
Cô Vương Thị Vân

- Từ hàng chục năm rồi, chữ “Đổi mới” đã không còn là mới, nhưng cho đến nay vẫn còn không ít GV còn lúng túng trong đổi mới phương pháp dạy học. Ngay như một trường thuộc hàng “tốp” như Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, mới đây, trong quá trình kiểm tra, tôi phát hiện có trường hợp, một GV ghi trong giáo án của mình “Hoạt động 3: Đổi mới phương pháp dạy học”; chứng tỏ GV này còn rất mù mờ, chỉ ghi vào cho gọi là có đổi mới. Vì đổi mới phải xuyên xuốt trong mọi hoạt động của quá trình dạy học chứ đâu phải là ở một hoạt động riêng lẻ nào.

Khi phát hiện như vậy, có biện pháp nào để chấn chỉnh đối với giáo viên của mình?

- Tất nhiên là có, vì việc rút kinh nghiệm kịp thời không chỉ có tác dụng đối với riêng một cá nhân. Tôi đã chỉ cho GV thấy và rút kinh nghiệm chung: Thay vì ghi như vậy, lẽ ra GV có thể ghi một hoạt động cụ thể nào đó, chẳng hạn “Hoạt động theo nhóm”; tiếp đó ghi cụ thể hệ thống câu hỏi cho từng đối tượng; các cách giải để đi đến kết quả, cách nào ngắn nhất, hay nhất; vận dụng hình thức hay phương tiện gì (chẳng hạn CNTT)… Bất cứ hoạt động nào cũng phải rõ ràng, cụ thể, thể hiện trên sơ đồ, tránh máy móc rập khuôn theo SGK.” . 

Thực tế, còn khá nhiều CBQL thiên về hành chính sự vụ, ít sâu sát chuyên môn, dẫn tới đầu voi, đuôi chuột; hoặc đổ đồng đen trắng? 

- GV mỗi tuần phải đăng ký cụ thể 2 tiết dạy đổi mới PP bằng dấu hiệu in đậm trong lịch báo giảng treo ở phòng hội đồng, để tổ trưởng hay BGH có thể theo dõi hay trực tiếp đi dự giờ các tiết dạy đó, đánh giá mức độ đổi mới so với năm trước (cùng một bài soạn, giảng) hay so với các tiết học bình thường khác. Những tiết dạy bằng giáo án điện tử, ứng dụng CNTT cũng được các tổ chuyên môn tập hợp hàng tuần, hàng tháng và được tập hợp thành đĩa dữ liệu để BGH kiểm tra.

Thầy Lê Văn Tuấn - Giáo viên Địa lý; Tổ trưởng Tổ Sử - Địa Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị): Nên có minh họa sinh động để thu hút người học

- Việc sinh hoạt chuyên đề đổi mới phương pháp của tổ Sử Địa trường tôi đã thành nếp. Trong kế hoạch tháng, mỗi giáo viên đều đăng ký một chuyên đề riêng, như là sáng kiến kinh nghiệm vậy. Sau đó các GV chuẩn bị để trình bày trước tổ, cả tổ cùng tham gia thảo luận, rút kinh nghiệm việc làm nào được, việc làm nào chưa được hay còn hạn chế để loại bỏ. Các thành viên đều rất tích cực với các chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Ở môn Địa lý, mỗi GV đều có một bộ bản đồ, học sinh có tập Atlas; trong Atlas lại có bản đồ tự nhiên và bản đồ xã hội. Khi dạy, GV thường dùng quá nhiều bản đồ, rất rườm rà. Trước tình trạng đó, tôi nghiên cứu thực hiện “Sử dụng bản đồ trong quá trình dạy học Địa Lý”, thiết kế lại bản đồ tổng hợp được các nội dung để có thể sử dụng trong nhiều tiết, nhiều bài. Hay ở trường miền núi, tuy hiện tại đã thuận lợi hơn trước là có máy tính, máy chiếu nhưng vẫn còn thiếu dụng cụ trực quan, phải dùng hệ thống hỗ trợ. Dạy về Trường Sa, nếu chỉ chỉ vào bản đồ thì học sinh không thể nào hình dung được, mà phải có hình ảnh minh họa để học sinh thấy Trường Sa hôm nay phát triển như thế nào…

Thầy Nguyễn Chế Linh - GV Lịch sử; Tổ trưởng tổ môn Toán - Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị): Người thầy phải nghĩ được các tình huống đắt giá

- Trước hết người thầy phải vững vàng về kiến thức, tìm ra những cách dạy hay nhất, hiệu quả nhất. Nghĩa là phải nghĩ ra được các tình huống đắt giá để làm cho tiết dạy hấp dẫn, tạo cơ hội cho học sinh học tích cực hơn.

- Để vượt qua được những trở ngại từ khả năng lĩnh hội kiến thức của học sinh, khi sinh hoạt tổ chuyên môn, chúng tôi tập trung thảo luận cụ thể về các tiết soạn, giảng, thực hành, từ việc đặt các câu hỏi phát vấn, câu hỏi mở như thế nào để đảm bảo tính vừa sức mà lại phát huy được tính tích cực học tập; tới khâu ra đề, kiểm tra đánh giá như thế nào để động viên được sự nỗ lực của học sinh.

Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngày 22/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiểu sử tân Chủ tịch nước Tô Lâm

GD&TĐ - Từ sinh viên Học viện An ninh nhân dân, ông Tô Lâm gắn bó với ngành Công an 45 năm, trước khi được Quốc hội khóa XV bầu làm Chủ tịch nước, sáng 22/5.