Hạn chế trong công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ
Từ thực tế triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Trường ĐH Ngoại ngữ (DDHQG Hà Nội), TS Ngô Tuấn Minh - Hiệu trưởng nhà trường - nhận định: Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, song thực tế cho thấy hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập.
Trước hết, các chương trình bồi dưỡng chưa mang tính thường xuyên, liên tục; thời gian bồi dưỡng tương đối ngắn và thường được tổ chức 1 lần hoặc cho đến khi giáo viên đạt chuẩn là kết thúc; các hoạt động tiếp nối sau bồi dưỡng để hướng dẫn người học áp dụng những nội dung đã được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy là không có.
Mặt khác, các hoạt động bồi dưỡng còn dàn trải ở nhiều cơ sở do nhiều đơn vị bồi dưỡng tổ chức, mà ở đó thiếu sự giám sát chặt chẽ của đơn vị quản lý cấp trên, thiếu tính đồng đều về chất lượng bồi dưỡng, tính thống nhất và liên thông trong các nội dung và chương trình bồi dưỡng.
Thêm vào đó, nhiều đơn vị bồi dưỡng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của đội ngũ giảng viên, chưa đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức giảng dạy, chưa làm chủ chương trình bồi dưỡng, còn lúng túng trong khâu tổ chức, kiểm tra đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình.
Ngoài ra, nội dung bồi dưỡng thường bị áp đặt, định trước mà không xuất phát từ nhu cầu, điều kiện thực tế của giáo viên nên tính ứng dụng của chương trình đối với giáo viên còn khá hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng một thời gian ngắn sau bồi dưỡng, các kỹ năng, kiến thức được tập huấn bị rơi vào lãng quên hoặc ít có điều kiện áp dụng.
Tất cả các yếu tố này khiến cho công tác bồi dưỡng giáo viên trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi, mới giải quyết một phần yêu cầu trước mẳt của công tác bồi dưỡng mà chưa đáp ứng mục tiêu lâu dài giúp giáo viên hình thành động cơ, nhu cầu và thói quen tự học, tự bồi dưỡng, cùng đồng nghiệp trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cùng xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng, hướng tới mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực có đủ khả năng sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển đất nước.
Công tác bồi dưỡng giáo viên phải được tiến hành thường xuyên
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, TS Đỗ Tuấn Minh cho biết, trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng giáo viên của nhà trường sẽ có những đổi mới tích cực.
Trong đó, nội dung đầu tiên được lưu ý là công tác bồi dưỡng giáo viên phải được tiến hành thường xuyên trong suốt năm học thay vì tập trung vào một thời gian nhất định trong năm. Khi đó, giáo viên mới có cơ hội được học tập, bồi dưỡng liên tục, thường xuyên, giúp họ dần dần có động cơ và nhu cầu học tập, chủ động lập kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng phù hợp để nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng theo yêu cầu đòi hỏi.
Có như vậy, hoạt động bồi dưỡng mới đạt được mục tiêu cuối cùng là biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, giúp giáo viên hình thành thói quen học tập suốt đời.
Bồi dưỡng giáo viên phải đảm bảo tính hệ thống
Nhấn mạnh việc bồi dưỡng giáo viên phải đảm bảo tính hệ thống, TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng, các nội dung bồi dưỡng phải có tính thống nhất, được sắp xếp có một cách khoa học, có tính tầng bậc trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Giữa nội dung dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, giữa nội dung lý thuyết và nội dung thực hành, hay giữa nội dung của các mô-đun trong cùng một chương trinh đều phải được tổ chức theo một trình tự hệ thống, có logic sao cho nội dung boi dưỡng trước sẽ là tiền đề cho nội dung bồi dường sau.
Tính hệ thống còn được thể hiện ở sự liên thông giũa các chương trình bồi dưỡng theo các bậc trình độ dành cho giáo viên ở các bậc học. Tính hệ thống còn là sự thống nhất giữa các đơn vị bồi dưỡng về nội dung, phương thức tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá khi thực hiện cùng một chương trình bồi dưỡng, có như vậy, hoạt động bồi dưỡng giáo viên mới đảm bảo tính đồng bộ và tính hệ thống.
Việc bồi dưỡng giáo viên phải có tính ứng dụng thực tế
Nội dung thứ 3 được TS Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh là bồi dưỡng giáo viên phải có tính ứng dụng thực tế. Điều này có nghĩa nội dung bồi dưỡng giáo viên cần bám sát nhu cầu thực tế, xuất phát từ những đề xuất của người học, chứ không phải bị định trước, bị áp đặt từ trên xuống của các bậc quản lý, khiến cho công tác bồi dưỡng mang tính chất hình thức, bắt buộc và không hiệu quả.
Nói một cách khác, bồi dưỡng giáo viên không chỉ là việc đào tạo lại hay bổ sung những kiến thức, kỹ năng giáo viên còn thiếu mà quan trọng hơn là hoạt động hỗ trợ giúp giáo viên áp dụng những lý thuyết, phương pháp sư phạm đã được bồi dưỡng vào thực tiễn giảng dạy.
Vìi thế, hoạt động bồi dưỡng giáo viên cần gần với thực tiễn giảng dạy, giúp giáo viên giải quyết những khó khăn vướng mắc gặp phải trong thực tế lớp học.
Ngoài ra, hoạt động bồi dưỡng cũng cần tránh nặng về lý thuyết mà cần tăng thêm thời lượng, nội dung thực hành, và quan trọng hơn, cần có quá trình hướng dẫn giúp giáo viên ứng dụng những kiến thức đã học khi triển khai hoạt động dạy học ngoại ngữ trong lớp học.
Chẳng hạn, trong nội dung các chương trinh bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh tới đây, những kiến thức, kĩ năng, phương pháp dạy học cần thiết sẽ được trang bị cho giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông để triển khai một cách hiệu quả chương trình ngoại ngữ phổ thông mới 10 năm. Có như vậy, hoạt động bồi dưỡng mới thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của người học.
Việc bồi dưỡng giáo viên phải có tính hiệu quả
Theo TS Đỗ Tuấn Minh, điều này được thể hiện ở chỗ các chương trình bồi dưỡng phải mang tính thiết thực, giúp người học có nhiều cơ hội thực hành và vận dụng tốt những kiến thức đã học vào thực tế giảng dạy, giúp cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt chất lượng cao hơn.
Tính hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng cũng còn được thể hiện ở mức độ hài lòng của học viên đối với các nội dung và phương thức tổ chức hoạt động bồi dưỡng, bằng sự đánh giá tốt của đơn vị tiếp nhận và sử đụng giáo viên về chất lượng giảng dạy của giáo viên sau khi tham gia bồi dưỡng.
Ngoài ra, để nâng cao tính hiệu quả của công tác bồi dưỡng, TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng, hoạt động tiếp nối sau bồi dưỡng cũng cần được chú trọng, trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị tổ chức bồi dưỡng và đơn vị tiếp nhận, sử dụng giáo viên sau bồi dưỡng đề tạo điều kiện giúp giáo viên tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng, không ngừng nghiên cứu ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào giảng dạy thực tế, góp phần ngày một nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại địa phương/cơ sở.
“Rõ ràng, công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các bậc học. Tuy nhiên, để mang lại kết quả như mong đợi, hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ cần phải có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội” - TS Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh.