(GD&TĐ) - Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có đổi mới đánh giá, kiểm tra, thi sẽ đưa việc dạy thêm học thêm xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng quyền lợi của các em học sinh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tại buổi đối thoại trực tuyến (Cổng thông tin điện tử Chính phủ).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã rất tâm huyết, thẳng thắn khi đề cập đến vấn đề dạy thêm – học thêm cũng như những nội dung về đột phá thi cử, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Báo GD&TĐ xin trích đăng những chia sẻ của vị lãnh đạo ngành Giáo dục.
Tìm nguyên nhân dạy thêm - học thêm tràn lan
|
Triển khai Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, sẽ không còn dạy thêm - học thêm tràn lan, tiêu cực mà sẽ là dạy thêm - học thêm xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng được quyền lợi của các em học sinh.
Hiện nay có tình trạng tiêu cực trong dạy thêm – học thêm, một trong những nguyên nhân có yếu tố của quản lý, của chương trình…
Trước hết nói về chương trình, trong quá trình dạy học, học sinh phải học quá nhiều, học sinh nào cũng phải học bằng nhau, có những kiến thức không thực sự thiết thực cho các em sau này.
Chương trình mới sẽ đảm bảo việc không còn học cào bằng, mà sẽ có những phần cho các em học sinh tự chọn. Như vậy áp lực thi cử, học hành sẽ giảm. Bên cạnh đó, khi ra đề mở, việc dạy thêm - học thêm sẽ không còn nhiều cơ hội phát triển.
Lý do giờ học chính khóa ít cũng là yếu tố tạo nên dạy thêm – học thêm. Sắp tới sẽ hướng tới việc tăng giờ học – trước hết bằng cách tự nguyện. Gia đình và nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ học cho các em được học tại trường, trong đó, chủ yếu tăng số giờ học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để quá trình học tập hiệu quả hơn, rèn được phương pháp tự học cho học sinh.
Cùng đó, không đặt toàn bộ tương lai của các em vào một kỳ thi, mà sẽ có đánh giá trong cả quá trình. Hết môn nào, hết chuyên đề nào thì kiểm tra, đánh giá chuyên đề đó. Như vậy áp lực thi cử giảm, và điều kiện để dạy thêm – học thêm phát triển cũng không còn. Bởi bản thân người học không có nhu cầu, và người dạy cũng không thể gợi ý để học sinh phải học thêm.
Chúng tôi hy vọng việc đổi mới kiểm tra đánh giá cùng với thay đổi chương trình, trong đó có yếu tố thay đổi mục tiêu, nội dung đào tạo, phương pháp giáo dục, nhu cầu về dạy thêm – học thêm sẽ giảm, không còn tiêu cực, nặng nề như hiện nay.
Phụ huynh hãy kỳ công, đừng quá áp đặt kỳ vọng!
Không phải chỉ đổi mới ở chương trình, sách giáo khoa, mà công tác quản lý cũng cần tăng cường làm cho tốt hơn, trong đó có cả việc tăng cường trách nhiệm nhà giáo, đạo đức nhà giáo. Và cũng có cả trách nhiệm của phụ huynh học sinh.
Có ai đó đã nói rằng phụ huynh nên kỳ vọng một cách vừa phải với con em, nên kỳ công cho con mình nhiều hơn. Kỳ vọng nhiều quá sẽ gây sức ép cho con em, trong đó có sức ép thông qua dạy thêm – học thêm.
Phụ huynh hãy hài lòng với kiến thức cơ bản được dạy ở nhà trường. Khi con em có khả năng học tập cao hơn thì hãy hướng các em đi học thêm. Kiến thức cơ bản đã đảm bảo được cho các em học sinh phổ thông ở mức độ đạt chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông.
Thu nhập nhà giáo tốt hơn, giảm tiêu cực trong dạy thêm – học thêm
Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 ghi rõ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng thang bậc lương cao nhất và được hưởng thêm những phụ cấp nghề nghiệp, đảm bảo cho nhà giáo có đời sống tối thiểu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, cũng coi trọng việc đánh giá, động viên nhà giáo dựa trên thực lực, chất lượng, hiệu quả cống hiến của nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo trẻ có nơi làm việc, có nơi ở và có điều kiện học hành hơn nữa.
Nhu cầu của bản thân được đáp ứng tốt hơn cũng là một trong những lý do để giảm tiêu cực trong dạy thêm – học thêm.
Kết quả học tập hướng người học, người dạy tự điều chỉnh mình
Đổi mới kiểm tra, đánh giá được tiến hành trong toàn bộ hệ thống giáo dục, có giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục (trong đó có đổi mới đánh giá, kiểm tra, thi) được thể hiện ở nội dung: Chuyển từ kiểm tra đánh giá xem học sinh học được gì sang kiểm tra đánh giá học sinh học được gì, vận dụng như thế nào – hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Cùng đó, không chỉ kiểm tra kết quả học tập của người học thế nào mà quá trình kiểm tra đánh giá hướng tới giúp người học tự điều chỉnh cách học, góp phần khuyến khích giáo viên tự đổi mới cách dạy.
Một đổi mới nữa trong kiểm tra đánh giá là không chỉ đánh giá năng lực, kết quả học tập của từng em học sinh, của từng người học, mà hướng tới đánh giá chất lượng của một cơ sở đào tạo, của một địa phương.
Quan trọng hơn, phải tìm ra được mối liên quan giữa các yếu tố tác động đến kết quả dạy học, phân tích những yếu tố tiêu cực hoặc tích cực tác động đến kết quả dạy - học, khuyến nghị bằng chính sách để tăng cường các yếu tố tích cực, hạn chế các yếu tố tiêu cực, đảm bảo kết quả giáo dục đạt được chất lượng cao.
Có nghĩa là không chỉ kiểm tra từng học sinh rồi cộng kết quả lại để đánh giá cơ sở, địa phương. Vừa qua, một trường mà có nhiều học sinh giỏi quốc gia, một trường mà có nhiều học sinh đỗ thì trường đó được đánh giá là kết quả giáo dục tốt. Điều đó không công bằng giữa một trường ở miền núi với một trường ở thành phố, giữa một trường ở đồng bằng và một trường ở vùng sâu vùng xa. Không phân tích được yếu tố tác động trở lại để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục, toàn hệ thống rung động
Bộ GD&ĐT coi đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.
Đột phá bởi trong toàn bộ hệ thống, có một yếu tố nào đó, nếu tác động vào sẽ làm rung động cả hệ thống theo hướng mong muốn. Và đó là điểm dễ tác động, đã tác động thì sẽ có kết quả.
Đổi mới kiểm tra đánh giá chính là điểm như vậy. Bởi đổi mới kiểm tra đánh giá không chỉ tác động đến cách học mà còn tác động cả cách dạy; không chỉ tác động đến giáo viên, học sinh mà còn tác động đến cả chính sách, phụ huynh học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong số nhiều giải pháp, giải pháp đổi mới kiểm tra đánh giá ít tốn kém, chủ yếu đào tạo năng lực đội ngũ giáo viên. Học tập kinh nghiệm thế giới cùng với kinh nghiệm của Việt Nam, đổi mới kiểm tra đánh giá đơn giản hơn, ít đầu tư, và có thể nhìn thấy trước kết quả - nên coi đây là giải pháp then chốt.
Còn có những giải pháp rất căn cơ, lâu dài, quyết định một cách cơ bản như giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giải pháp đổi mới quản lý giáo dục… - những giải pháp phải làm ngay từ đầu nhưng cần toàn diện, căn cơ, lâu dài, bền bỉ hơn; quy mô, yêu cầu đầu tư cũng nhiều hơn.
Trong đổi mới giáo dục, Việt Nam học tập quốc tế nhưng vận dụng phù hợp trong điều kiện của mình. Bộ GD&ĐT chủ trương coi trọng học tập kinh nghiệm giáo dục của tất cả các nước, không chỉ nhìn hiện tại, mà còn nhìn xu hướng sẽ phát triển, từ đó có những phân tích toàn diện. |
Gia Hân (ghị)
TIN LIÊN QUAN |
---|