Người trực tiếp thực hiện đổi mới GD
Là một trong những trường đi đầu trong đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) đã gặt hái được nhiều thành công trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, được các cấp quản lý giáo dục ghi nhận và đánh giá cao. Theo cô Ngô Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng nhà trường, một trong những yếu tố quan trọng để nhà trường quyết tâm thực hiện đổi mới, đó là đội ngũ giáo viên luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới và sẵn sàng thay đổi để thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Minh chứng cho nhận định này, cô Ngô Thị Thanh Nga dẫn giải: Nhiều năm nay, nhà trường luôn có những đổi mới sáng tạo trong dạy – học và đã tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, nhất là đối với các bậc phụ huynh. Đơn cử như: Mô hình dạy học trực tuyến với những "tiết học không biên giới", Mô hình giáo dục STEM, thành lập các câu lạc bộ học tập cho học sinh... Những mô hình này đã được Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, theo cô Ngô Thị Thanh Nga, tất cả những việc này nếu giáo viên không hợp tác, không sẵn sàng đón nhận, tiếp thu thì kế hoạch đổi mới cũng chỉ nằm trong ý tưởng và nằm trên bàn giấy. "Nhà trường chỉ đưa ra chủ trương, kế hoạch triển khai và chương trình hành động, còn người thực thi không ai khác đó chính là giáo viên. Thế mới nói, giáo viên là linh hồn của đổi mới giáo dục trong các nhà trường” – cô Ngô Thị Thanh Nga dí dỏm nói.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Là người gắn bó sâu sắc với ngành Giáo dục, PGS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
Vì vậy, để đổi mới giáo dục thành công thì vấn đề then chốt nằm ở phía giáo viên. “Ở đây có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, muốn đổi mới giáo dục thì phải có đủ lực lượng giáo viên. Thứ hai, khi có đủ giáo viên rồi thì họ phải có đủ năng lực, phẩm chất để thực thi nhiệm vụ đổi mới. Nói một cách dễ hiểu, giáo viên có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này” – PGS Trần Thị Tâm Đan nhận định.
Cần chuẩn bị chu đáo
Khẳng định hầu như trong bất cứ thành công nào của giáo dục đều có bóng dáng công sức của các thầy, cô giáo, GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bằng những việc làm trực tiếp, hoặc gián tiếp giáo viên đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của ngành Giáo dục.
Đơn cử như thành tích của học sinh Việt Nam khi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Để đạt được thành tích ấy là biết bao công sức của các thầy, cô giáo. Các thầy, cô giáo là những người dìu dắt, hướng dẫn các em trong từng bài học. Họ cũng chính là người phát hiện, bồi dưỡng và “truyền lửa” cho các em để đi đến thành công như hôm nay.
Cũng theo GS.VS Đào Trọng Thi, đổi mới giáo dục lần này chú trọng về chất. Vì thế, đội ngũ giáo viên cần phải được chuẩn bị chu đáo và phải đi trước một bước. Bởi đây sẽ là lực lượng trực tiếp “thi công” công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí (Bộ GD&ĐT), đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố trung tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Thành công của đổi mới gần như phụ thuộc chủ yếu vào sự sẵn sàng của đội ngũ này.
"Do đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29 là phát triển đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước" - PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng viện dẫn.
Còn theo TS Hoàng Thị Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, chưa bao giờ chất lượng nguồn nhân lực lại được coi trọng như bây giờ. Điều đó cũng có thể hiểu được khi bối cảnh cuộc sống và công việc trong “thời đại 4.0” đã mang lại cho con người quá nhiều thay đổi.
Chẳng hạn như: Sự thay đổi về môi trường giáo dục, sự thay đổi của học sinh, sự thay đổi giá trị của nhà trường và giá trị của người thầy giáo, sự thay đổi các nhu cầu của người thầy giáo, sự phát triển của thành tựu khoa học quản lý giáo dục.
“Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào chất lượng nền giáo dục, mà chất lượng nền giáo dục thì được quyết định phần lớn bởi chất lượng của đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý. Từ đây cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặt ra như một vấn đề quan trọng, nhằm góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục, mà trước mắt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới” - TS Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.