Từ năm học mới này, hệ thống trường học tiểu học hệ 6 năm sẽ được chuyển đổi sang hệ 8 năm. Những học sinh đã kết thúc lớp 6 tiểu học sẽ tiếp tục lên lớp 7 tiểu học (thay vì chuyển cấp lên trung học cơ sở như trước đây).
Sau khi học xong lớp 8, học sinh có thể lựa chọn các phương án sau: Học tiếp các lớp 9-12 tại trường trung học phổ thông; học tiếp 5 năm ở các trường kỹ thuật (technikum); hoặc, học tiếp 3 năm tại trường dạy nghề bậc I.
Hệ thống các trường học ở Ba Lan trước đây bao gồm: trường tiểu học 6 năm, Trường trung học cơ sở 3 năm, Trường trung học phổ thông 3 năm,Trường kỹ thuật 4 năm, Trường dạy nghề 3 năm và trường sau trung học phổ thông.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 2017, một hệ thống trường học mới sẽ được áp dụng, bao gồm: trường tiểu học (8 năm); trường trung học phổ (4 năm); trường kỹ thuật (5 năm); trường nghề bậc I (3 năm); trường nghề bậc II (2 năm); trường hướng nghiệp (3 năm); và các trường sau trung học phổ thông (Đại học,…).
Giáo dục chung cho học sinh tiểu học được áp dụng với các lớp 1-3. Bắt đầu từ lớp 4 sẽ giảng dạy theo các môn riêng. Tiếng Anh được cho học sinh tiếp cận từ đầu và dạy chính thức từ năm lớp 4. Bắt đầu từ lớp 6 sẽ có một ngoại ngữ hiện đại thứ hai (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,...) được dạy bắt buộc.
Các lớp song ngữ (Ba Lan - Anh) sẽ được mở dạy bắt đầu từ lớp 7, khuyến khích học sinh tham gia, để đảm bảo chương trình đào tạo song ngữ sẽ kéo dài trong 6 năm (7-12) của chương trình học phổ thông.
Chương trình giáo dục mới sẽ được áp dụng từ đầu với các lớp 1, 4, 7 và 9. Các lớp khác vẫn học theo chương trình cũ. Trong năm học 2017/2018, học sinh lớp 5 và 6 sẽ tiếp tục học những môn học như trước đây.
Các môn học mới sẽ được áp dụng từ lớp 7, bao gồm: sinh học, hóa học, vật lý và địa lý. Giáo dục thể thao học đường vẫn được duy trì như các bậc tiểu học và trung học cơ sở trước đây. Nội dung hướng nghiệp cũng sẽ được đưa vào chương trình từ lớp 7 và 8 trong trường tiểu học.
Học sinh hoàn thành lớp 8 sẽ có nghĩa vụ tham gia kỳ thi cuối khóa. Trong những năm học 2018/2019, 2019/2020 và 2020/2021, kỳ thi sẽ được tiến hành trong ba môn: ngôn ngữ Ba Lan, ngoại ngữ và toán học hiện đại.
Từ năm học 2021/2022, một môn tùy chọn sẽ được thêm vào từ các môn học bắt buộc như Sinh học, Hóa học, Vật lý, Địa lý hay Lịch sử.
Các kỳ thi tốt nghiệp ở cấp Trung học cơ sở như trước đây sẽ vẫn được tổ chức cho đến năm học 2019/2020. Các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn được duy trì đến năm học 2021/2022. Nhưng bắt đầu từ năm học 2022/2023, hệ thống thi cử và văn bằng mới theo chương trình cải cách sẽ được áp dụng triệt để.
Được biết, mô hình giáo dục phổ thông phân theo 2 cấp 8 + 4 đã được sử dụng tại Ba Lan trước đây. Việc cải cách giáo dục này nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dân Ba Lan muốn có một hệ thống giáo dục hiện đại nhưng gắn với nền giáo dục truyền thống của Ba Lan.
Ý tưởng và kế hoạch đổi mới này đã được lên kế hoạch và nghiên cứu từ nhiều năm trước, nay được triển khai đại trà trên cả nước.
Ba Lan là quốc gia có nền giáo dục bao cấp toàn diện. Học sinh dưới 18 tuổi bắt buộc phải đến trường. Các nhà cải cách giáo dục cam kết rằng, với việc đổi mới toàn diện lần này, học sinh Ba Lan sẽ có được môi trường học tập bình đẳng với những ngôi trường tốt, nền giáo dục tốt, dù các em đến từ đâu và xuất thân trong gia đình có điều kiện kinh tế như thế nào.
Cải cách giáo dục lần này của Ba Lan không chỉ là sự thay đổi hệ thống các trường học mà bao gồm cả các giải pháp mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, liên kết chặt chẽ với thị trường lao động hiện đại, đồng thời, thay đổi tổ chức và hoạt động của các trường học và các cơ sở giáo dục.