Đổi mới giáo dục là phải dạy cho học sinh làm được gì sau khi học

GD&TĐ - Ngày 15/10, tại huyện Tây Sơn (Bình Định), đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tham dự Hội nghị có Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ - UVBCHTW Đảng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bà Lý Tiết Hạnh – TUV – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cùng đông đảo cử tri là hưu trí, cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang huyện Tây Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Bình Định.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Bình Định.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi về những vấn đề xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời những ý kiến chất vấn mà cử tri quan tâm.

Với câu hỏi sinh viên ngành Ngôn ngữ tiếng Anh của Trường cao đẳng Bình Định không được tiếp nhận hồ sơ dự tuyển giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành Giáo dục & Đào tạo Bình Định cần phải phối hợp với ngành Nội vụ để xem xét, tạo điều kiện cho sinh viên sau khi ra trường có được cơ hội tìm việc làm, đảm bảo tính công bằng cho các em. Không có bất cứ lý do gì mà tốt nghiệp năm trước được tiếp nhận hồ sơ dự tuyển mà tốt nghiệp năm sau lại không được tiếp nhận.

Đối với chính sách tiền lương với những giáo viên đã phục vụ trong ngành hơn 40 năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành sẽ có những tham mưu với Chính phủ để ra những chính sách phù hợp, đặc biệt là với giáo viên ở bậc học mầm non. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng sẽ làm việc với bảo hiểm để có phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo. 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Về điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi 2019 đã gặt hái được nhiều thành công và sắp tới sẽ giữ ổn định kỳ thi; tiến tới từng bước áp dụng tổ chức thi trên máy ở một số địa phương có điều kiện.

Trước tình trạng ma túy học đường , Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an để tìm nhiều giải pháp phòng chống ma túy hiệu quả nhất trong trường học. Tuy nhiên, chính sách của ngành Giáo dục, Bộ Công an có rất tốt, thì vẫn cần đến sự tham gia mạnh mẽ từ các địa phương. 

Cử tri đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội.
Cử tri đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội.

Vấn đề đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ trước đến nay, chúng ta thường giáo dục học sinh theo kiểu học càng nhiều càng tốt, biết càng nhiều càng hay, bây giờ phải tăng cường giáo dục cho các em nhiều kỹ năng. Dạy cho các em sẽ làm được gì sau khi học. Đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, của xã hội.

Với những khoản đóng góp đầu năm học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ Việt Nam là đất nước rất chú trọng đến giáo dục vì vậy Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế hiện nay, trong ngân sách cho giáo dục sẽ chỉ có từ 15% đến 20% chi xây dựng cơ sở vật chất, 80% còn lại để chi lương cho giáo viên.

Cử tri đặt nhiều câu hỏi về giáo dục với biểu Quốc hội.
 Cử tri đặt nhiều câu hỏi về giáo dục với biểu Quốc hội.

Vì lẽ đó mà chúng ta xã hội hóa để thu thêm các khoản tự nguyện trong phạm vi cho phép, các khoản thu này phải được hội đồng nhà trường, hội đồng nhân dân ở địa phương thống nhất. Tất nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng lạm thu, nhưng ngành đã quán triệt phát hiện thấy lạm thu là phải xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các cử tri đã quan tâm đến ngành Giáo dục và hứa với cử tri sẽ tiếp tục có những bước cải thiện về nhiều mặt, trong đó quan trọng cải thiện tiền lương, đời sống cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.