Những điểm sáng trong nghiên cứu khoa học
Theo Phó Thủ tướng, thời nay, nhân lực là yếu tố quyết định và khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố không thế thiếu để một quốc gia phát triển. Vì thế, các quốc gia trên thế giới đều đua tranh để không chỉ phát triển nguồn nhân lực, tiềm lực sáng tạo KHCN của từng công dân của đất nước mình, mà còn đua tranh để thực sự trở thành địa điểm hấp dẫn nhất, thu hút được những người tài năng nhất về làm việc tại chỗ hoặc từ xa cho mình, để cùng mang thành tựu KHCN lớn nhất phục vụ cho sự phát triển của đất nước mình.
Trên thế giới có rất nhiều bản đánh giá về tiềm năng quốc gia, trong đó bản đánh giá rất quan trọng, đó là bản đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nhắc đến điều này, Phó Thủ tướng cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước vươn lên từ vị trí thứ 47 lên thứ 45 và năm nay là thứ 42 trên thế giới. Có được sự thăng tiến mạnh mẽ chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia trong bảng xếp hạng đó, có một phần quan trọng từ đổi mới giáo dục ĐH, khi chúng ta thúc đẩy bước đầu việc thực hiện tự chủ ở một số trường.
Trong 5 năm trở lại đây, số các công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng rất nhanh. Tuy còn khiêm tốn so với thế giới, nhưng các kết quả này rất đáng ghi nhận, và điều này có phần lớn đóng góp từ các trường ĐH. Chúng ta rất mừng, vì ngoài các trường ĐH vốn đã danh tiếng từ lâu, thì đã xuất hiện nhiều trường mới, trong đó có những trường ngoài công lập. Đó là những điểm sáng đi đầu trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
Trong 20 trường có nhiều công bố quốc tế hàng đầu năm vừa qua có 4 trường ngoài công lập, trong đó có trường Phenikaa, dù rằng còn nhỏ về quy mô sinh viên đào tạo nhưng đã vượt lên nhiều trường danh tiếng khác về số lượng các công trình công bố.
“Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi không chỉ đúng đắn mà hết sức cần thiết và chúng ta phải thúc đẩy hướng đi đó. Bởi lẽ ĐH không chỉ là nơi phổ biến tri thức, ĐH phải là nơi tạo ra tri thức. ĐH không chỉ là nơi dạy cho mọi người biết cách tiếp thu công nghệ mà phải là nơi góp phần sáng tạo ra công nghệ. Những trường ĐH đi đầu này là những tấm gương rất tốt” – Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi mong các tập đoàn sẽ xây dựng những trường ĐH mà trong vài chục năm tới có thể sánh ngang và tự hào cùng với các trường ĐH trên thế giới, trước hết là trong khu vực |
Dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục là trách nhiệm với cộng đồng, đất nước
Từ lâu chúng ta đều nói phải phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục và khoa học, nhưng ai là người đầu tư? Vốn từ trước tới nay, chúng ta chỉ nghĩ rằng đó là nhà nước. Và Việt Nam có trên 200 trường ĐH nhưng số lượng các trường ngoài công lập chỉ chiếm trên 20%, số sinh viên đào tạo cũng trên 20%, số thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo thì trên 10%.
Từ lâu chúng ta đã cố khuyến khích phát triển các trường dân lập và tư thục, nhưng phần nhiều đó là những trường được thành lập từ tấm lòng rất tâm huyết của nhiều cán bộ trong giới khoa học và đào tạo sau khi nghỉ hưu. Họ kêu gọi được 1 số vốn tương đối ít ỏi của doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào. Cho nên, phần lớn các trường ngoài công lập của chúng ta, kể cả tư thục và dân lập đều rất khó khăn về cơ sở vật chất.
Và vì thế họ phải lấy ngắn nuôi dài, nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn học phí của sinh viên để duy trì đào tạo rồi mới hướng tới việc phát triển. Gần đây, nhà nước đã có chủ trương khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển giáo dục, khoa học, trước hết là giáo dục ĐH. Đến ngày hôm nay chúng ta đã có 4 trường ĐH ngoài công lập dành số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho cơ sở của trường, trong đó có trường ĐH Phenikaa.
Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta nói về nguồn lực con người, nhưng đầu tiên phải có hệ thống cơ sở vật chất xứng tầm thì mới thu hút được người giỏi về giảng dạy. Thực tế, rất nhiều người muốn (đầu tư cho giáo dục - PV) nhưng không có tiềm năng; rất nhiều người có tiềm năng nhưng lại không ý thức được hết lợi ích lâu dài không chỉ cho riêng doanh nghiệp của mình mà là trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, và dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Điều này suy cho cùng không chỉ là lòng tốt mà còn là trách nhiệm. Bởi phần lớn các doanh nghiệp phát triển đến ngày hôm nay, ngoài nhờ cơ chế chính sách, nguồn tài nguyên của đất nước, thì còn nhờ nguồn nhân lực đã được nhà nước đầu tư phát triển. Dùng nguồn nhân lực đó để phát triển doanh nghiệp của mình, thì cũng đến lúc ngoài tiền thuế, những người nghĩ xa hơn về trách nhiệm với tương lai của đất nước rất nên dành nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho đào tạo con người.