3 hay 10 nhà khoa học Việt Nam vào top 100.000 thế giới?

GD&TĐ - Theo TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học Công nghệ & Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Việt Nam có ít nhất 10 nhà khoa học được vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, chứ không phải 3 như thông tin đã xuất hiện trên truyền thông.

Gương mặt 10 nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ảnh IT - Đồ họa: C.Chương
Gương mặt 10 nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ảnh IT - Đồ họa: C.Chương

Theo đó, Tạp chí PLOS Biology (Mỹ) công bố top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans và Kevin W. Boyack với kết quả là công trình (Ioannidis 2019) “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field”.

Ít nhất 10 nhà khoa học Việt Nam vào danh sách S2

Trong công trình trên (Ioannidis 2019), nhóm tác giả đưa ra kết quả rất quan trọng và thú vị về 3 danh sách 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ Cơ sở dữ liệu Scopus. Danh sách S4 là danh giá và đáng chú ý nhất, đánh giá thành tựu trọn đời của nhà khoa học tính tới cuối năm 2017; Danh sách S1 đánh giá thành tựu 22 năm cuối của nhà khoa học từ 1/1/1996 – 31/12/2017.

Điều đáng tâm tư là không có bất kỳ nhà khoa học nào của Việt Nam được liệt kê vào Danh sách S4 và Danh sách S1; tuy nhiên, có nhiều nhà khoa học gốc Việt đã định cư ở các nước tiên tiến được vinh danh trong cả hai danh sách trên. Danh sách S2 là danh sách đánh giá đẳng cấp mang tính “tức thời” của các nhà khoa học, chỉ phân tích dữ liệu trích dẫn năm 2017; Việt Nam vinh dự có ít nhất 10 nhà khoa học được vào danh sách này, chứ không phải 3 như các báo đã đưa tin.

Đối với Danh sách S2, có 106.369 nhà khoa học hàng đầu được chọn ra từ 6.880.389 nhà khoa học trên toàn thế giới theo Scopus. Trong đó, có 10.317 trường hợp không có địa chỉ cơ quan công tác và mã quốc gia. Nếu lọc theo mã quốc gia thì chỉ có 3 nhà khoa học của Việt Nam được tìm thấy với địa chỉ cơ quan rất lạ là “Hanoi University of Technology” và hiện nay tên của đại học này không tồn tại; và điều thú vị là 3 nhà khoa học này không thuộc nhóm mà báo chí đã đưa tin trong thời gian vừa qua. Kết hợp các kỹ thuật trắc lượng khoa học, có ít nhất 7 nhà khoa học nữa được tìm thấy trong top 100.000 (chính xác là 106.369) nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Việc xếp hạng có thể gây tranh cãi nhưng thú vị

Việc xếp hạng các nhà khoa học bao giờ cũng có thể gây tranh cãi. Thật vậy, nếu bỏ qua những khác biệt về chuyên ngành, việc xếp hạng cũng mang lại những thông tin thú vị; cụ thể, hạng của 10 nhà khoa học của Việt Nam trong top 100.000 các nhà khoa học hàng đầu thế giới như sau:

Không ngạc nhiên khi TS Trần Xuân Bách dẫn đầu trong nhóm này, bởi lẽ lĩnh vực của ông là y tế công cộng nên thường có rất nhiều trích dẫn. Việc TS Lê Hoàng Sơn vươn lên đứng thứ 2 là khá bất ngờ, anh nghiên cứu về công nghệ thông tin và việc trích dẫn trong lĩnh vực này nhìn chung là khó nhưng hạng của anh khá xa so với trường hợp của TS Phạm Hùng Việt chuyên về môi trường, lĩnh vực mà lượng trích dẫn thường khá cao. Trường hợp TS Phạm Việt Thành, xếp thứ thứ 10 trong nhóm và xếp 148.064 thế giới là hết sức bình thường vì lĩnh vực nghiên cứu về kỹ thuật điện thường có trích dẫn không cao.

Dù Danh sách S2 mang tính tức thời nhưng việc được liệt kê vào đây cũng đã đánh dấu đẳng cấp nhất định của các nhà khoa học trên phạm vi toàn cầu và điều quan trọng là các nhà khoa học trong danh sách này cần phải tiếp tục duy trì đẳng cấp nghiên cứu một cách bền vững hơn.

Thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam ở trên sẽ là tín hiệu để họ có thể sẽ được vinh danh “Highly Cited Researchers” của Clarivate (Web of Science, Mỹ) trong thời gian tới. Đây chắc chắn là một thử thách rất lớn cho tất cả các nhà khoa học, bởi lẽ “Highly Cited Researchers” chỉ dành cho nhà khoa học có công trình thuộc top 1% trích dẫn trong chuyên ngành hàng năm theo Web of Science (WoS); năm 2018, chỉ có 6.100 nhà khoa học trên toàn cầu được vinh danh là “Highly Cited Researchers” và rất tiếc, Việt Nam không có nhà khoa học vào được vinh danh trong nhóm này (tính địa chỉ đầu).

Danh sách 10 nhà khoa học Việt Nam vào top 100.000 của thế giới
1. TS Trần Xuân Bách (PGS, giảng viên Viện Đào tạo Y tế dự phòng,Trường ĐH Y Hà Nội) 
2. TS Thái Hoàng Chiến (Nghiên cứu viên Nhóm cơ học tính toán, Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
3. TS Nguyễn Đình Đức (GS, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội)
4. TS Nguyễn Văn Hiếu (GS, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa)
5. TS Phan Thanh Sơn Nam (GS, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học thuộc Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM)
6. TS Trần Đình Phong (Trưởng khoa Khoa học cơ bản và ứng dụng, Trường ĐH Việt - Pháp)
7. TS Lê Hoàng Sơn (PGS, Phó Giám đốc Trung tâm Tính toán hiệu năng cao, ĐH Quốc gia Hà Nội)
8. TS Phạm Việt Thành (Giám đốc nghiên cứu, Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa)
9. TS Nguyễn Thời Trung (PGS, Viện trưởng Viện Khoa học tính toán, Phó Chủ tịch Ủy ban Đạo đức khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
10.TS Phạm Hùng Việt (GS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, ĐH Quốc gia Hà Nội).
(Theo TS Lê Văn Út)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.