Phạm vi và điều chỉnh
Trước đó, ngày 15/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, ngày 3/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 50 hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định.
Trên cơ sở quy định đó, các địa phương có nhu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh đã triển khai việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Thông tư liên tịch số 50 đã bộc lộ một số bất cập cả về cơ sở pháp lý và thực tế. Những bất cập này cần phải điều chỉnh và thay thế.
Trước yêu cầu thực tiễn của ngành Giáo dục nước nhà, ngày 22/11/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/TT-BGDĐT (Thông tư 32) hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Thông tư 32 gồm 8 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; điều kiện tổ chức dạy học; quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học; nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học; hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chế độ chính sách và tổ chức thực hiện.
So với Thông tư liên tịch trước đó, Thông tư 32 đã lược bỏ Điều 6 quy định về việc cấp chứng chỉ vì nội dung hướng dẫn về dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho người học là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại miền núi, vùng DTTS đã có quy định riêng.
Về nội dung, Thông tư 32 có nhiều điểm mới trong tất cả các điều. Cụ thể, tại khoản 2 của điều 1, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm đối tượng áp dụng “trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên” theo Luật giáo dục 2019 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về điều kiện của việc tổ chức dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Thông tư nêu rõ hơn điều kiện thứ nhất để tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số “Người dân tộc thiểu số ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS”.
Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể “Đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ GD&ĐT quyết định”;
Điều chỉnh quy định điều kiện về chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS “Chương trình tiếng DTTS do Bộ GDĐT ban hành, sách giáo khoa tiếng DTTS được Bộ GDĐT phê duyệt” cho phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục 2019. Về trình độ chuẩn của giáo viên dạy tiếng DTTS cũng được Thông tư điều chỉnh theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019.
Vai trò, trách nhiệm cơ sở
Cùng với đó, Thông tư cũng bổ sung quy định về quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học như bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT trong việc tổng hợp nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh người DTTS.
Mặt khác, quy định về báo cáo tổng hợp nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh người DTTS vào thành phần hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT về việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học cũng được bổ sung thêm.
Về nội dung, phương pháp, kế hoạch, Thông tư 32 đã rút ngắn đi để tránh chồng chéo với quy định tại Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ban hành chương trình 8 tiếng DTTS.
Riêng với hình thức tổ chức dạy học, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về hình thức tổ chức dạy học môn Tiếng dân tộc theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; bổ sung thêm “trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên” theo Luật Giáo dục 2019.
Điều 7, về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bỏ cơ sở đào tạo GV là trường CĐSP vì không phù hợp với khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019; thay cụm từ “cơ sở đào tạo” thành “cơ sở giáo dục đại học” cho phù hợp với Luật Giáo dục đại học 2015 và Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại Điều 8 của Thông tư quy định về chế độ chính sách cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung. Cụm từ “biên chế” đã được bỏ đi do không còn phù hợp với quy định Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng phó hiệu trưởng. Cụm từ “mức lương tối thiểu chung” được thay bằng cụm từ “mức lương cơ sở” cho phù hợp với quy định về chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng tại đây, thay thế Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP (đã được bãi bỏ tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP) bằng Điều 12 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP và bổ sung thêm cụm từ “bảo hiểm thất nghiệp” vào câu cuối cho phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thông tư 32 cũng bỏ quy định trang cấp vở viết cho người học là học sinh để đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP “Người học được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng DTTS phù hợp với từng đối tượng”.
Đặc biệt, dựa trên quy định của Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng DTTS , Bộ GD&ĐT đã lược bỏ quy định đối với đối tượng người học để tránh trùng lặp.
Tương tự, quy định về chế độ chính sách đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS học tiếng DTTS cũng được lược bỏ do chính sách này đã được quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng tại Điều 7 của Thông tư 32, Bộ GD&ĐT đã bỏ hai nội dung là quy định về biên chế giáo viên do không còn phù hợp với thực tế và quy định về kinh phí phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếng DTTS do nội dung này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Cuối cùng, Thông tư 32 đã lược bỏ và bổ sung một số nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.