Giải phóng cho giáo viên
Thời gian qua, việc thu các khoản đóng góp của học sinh HS và cha mẹ các em đã góp phần tăng đầu tư cho giáo dục, giảm bớt một phần đầu tư của Nhà nước và có tác dụng nhất định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Quý Khiêm – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp - quá trình thực hiện thu đã nảy sinh một số bất cập:
Về kinh tế: nhân lực huy động cho việc thu các khoản đóng góp quá nhiều: Lãnh đạo nhà trường, Bộ phận kế toán, giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên thu các khoản đóng góp từ học sinh, sau đó quyết toán lại cho Bộ phận tài vụ của trường.
Việc giáo viên có quyết toán đủ số tiền thu được hay chiếm dụng để sử dụng vào mục đích cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra và đã xảy ra.
Về xã hội: vai trò, uy tín của giáo viên đối với học sinh, cha mẹ các em và xã hội bị giảm sút. Trong suy nghĩ của không ít người, giáo viên chỉ là người … “đòi nợ” học sinh.
“Thời gian để giáo viên thu các khoản đóng góp đầu năm khá nhiều, ảnh hưởng đến việc đầu tư cho công tác chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục. Thậm chí, có giáo viên tự ý đặt ra các khoản thu vì mục đích cá nhân” – ông Bùi Quý Khiêm cho hay.
Thành lập Tổ thực hiện thu toàn trường
Từ năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Đồng Tháp đã đổi mới phương thức thu các khoản đóng góp bằng nhiều biện pháp.
Chia sẻ điều này, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, Sở GD&ĐT đã chú trọng nâng cao nhận thức và hiểu biết của học sinh và cha mẹ các em về xã hội hóa giáo dục nói chung – các khoản đóng góp đúng quy định nói riêng.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh công khai, minh bạch tất cả các khoản thu đúng quy định cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Việc công khai, minh bạch được thực hiện bằng các hình thức phù hợp: thông báo trong các cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và trên bảng thông báo của đơn vị. In ấn tài liệu gửi trực tiếp cho học sinh và cha mẹ các em. Thông tin trên hệ thống truyền thanh của địa phương, trên website của trường, nhắn tin đến cha mẹ học sinh.
Đồng thời, đổi mới cách thu: mỗi trường thành lập Tổ thực hiện thu toàn trường. Giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp thu các khoản đóng góp từ học sinh và cha mẹ các em mà chỉ thực hiện nhiệm vụ thông báo, đôn đốc.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc thu bằng các biện pháp phù hợp: sắp xếp lịch thu cho từng khối, từng lớp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cha mẹ các em đóng góp; phân công hợp lý lực lượng tham gia thu (Lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ, nhân viên Văn phòng…); đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có điểm phụ, bố trí lịch thu, đến từng điểm trường để thu.
Việc thu cũng thực hiện rất linh hoạt: thu cả năm, thu từng học kỳ, thu theo tháng tùy theo điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh; thu các khoản bắt buộc trước, tự nguyện sau để giảm bớt khó khăn cho học sinh và cha mẹ các em.
Về mặt xã hội, giáo viên được “giải phóng” khỏi nhiệm vụ không phải là nhiệm vụ chính để tập trung đầu tư cho công tác chuyên môn, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.
Nhà trường quản lý chặt chẽ tiến độ thu, kết quả thu. Hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra. Học sinh và cha mẹ các em đồng thuận cao, hiểu biết và nhận thức về xã hội hóa giáo dục được nâng lên, tích cực tham gia đóng góp.
Đồng thời, các gia đình khó khăn về kinh tế cảm thấy tự tin, thoải mái khi đóng góp theo khả năng kinh tế của mình. Trong năm học 2017 – 2018, các biện pháp trên được tiếp tục triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục toàn tỉnh” – ông Bùi Quý Khiêm chia sẻ.